Thứ bảy, 23/11/2024 | 11:56 GMT+7

Các quốc gia tìm kiếm sự hợp tác về năng lượng sạch

21/07/2010

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết cuộc họp kéo dài hai ngày sẽ tuyên bố các sáng kiến chung của các nền kinh tế lớn chiếm tới 80 % GDP của thế giới.Các Bộ trưởng Năng lượng và quan chức cao cấp từ 21 quốc gia sẽ tập hợp tại Washington theo một sáng kiến của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đặt trọng tâm vào việc tạo công ăn việc làm trong ngành năng lượng sạch.

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ bàn bạc cách hợp tác để phát triển năng lượng sạch, một điểm sáng hiếm hoi giữa bối cảnh bế tắc trong việc soạn thảo một hiệp ước chống thay đổi khí hậu mới.

 

Các Bộ trưởng Năng lượng và quan chức cao cấp từ 21 quốc gia sẽ tập hợp tại Washington theo một sáng kiến của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đặt trọng tâm vào việc tạo công ăn việc làm trong ngành năng lượng sạch.

 

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết cuộc họp kéo dài hai ngày sẽ tuyên bố các sáng kiến chung của các nền kinh tế lớn chiếm tới 80 % GDP của thế giới.

 

Các nền kinh tế lớn bất đồng về nội dung của hiệp ước khí hậu tiếp theo, với việc các quốc gia phát triển tìm kiếm các cam kết ràng buộc các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc phải cắt giảm lượng khí thải carbon gây nóng lên toàn cầu.

 

Tuy vậy, năng lượng sạch lại được coi là một lĩnh vực các bên cùng quan tâm. Năm ngoái, tổng thống Obama đã ký một dự án hợp tác kéo dài 5 năm với số vốn đầu tư 150 triệu USD với Trung Quốc trong đó hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới này sẽ chung tay phát triển xe điện và than sạch.


 Clean.jpg


"Sự phát triển của năng lượng sạch, công nghệ năng lượng hiệu quả có thể thúc đẩy các cơ hội kinh tế lớn của thế kỷ 21", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, Gary Locke đã nói tại Nhà Trắng. "Cuộc đua đem đến cho các quốc gia cơ hội trở thành tâm điểm đổi mới năng lượng sạch, và kèm theo đó là dòng vốn, doanh nghiệp và việc làm được tạo ra."

 

Chính quyền Obama thường cho rằng Hoa Kỳ đang đi sau nhiều quốc gia châu Âu và châu Á trong việc phát triển công nghệ xanh. Nhưng họ hi vọng cuộc họp sẽ tìm ra cách thức để các quốc gia có thể hợp tác cùng nhau.

 

Lĩnh vực thảo luận bao gồm các tiêu chuẩn năng lượng hiệu quả, năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng như cách thức cung cấp năng lượng cho những người chưa được tiếp cận, ông David Sandalow, trợ lý Bộ trưởng năng lượng Mỹ về các vấn đề quốc tế nói.

 

Ông Alden Meyer, giám đốc chiến lược và chính sách thuộc Liên hiệp các nhà khoa học, bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc họp sẽ giải quyết được các vấn đề gai góc trong các cuộc đàm phán để tiếp nối Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.


"Nhưng nếu mục tiêu đặt ra là có thể đạt được và cho thấy các nước vẫn có thể hợp tác để làm một điều gì đó thì không khí sẽ bớt căng thẳng", ông nói.


Ông Terje Riis-Johansen, Bộ trưởng Bộ dầu khí và năng lượng Na Uy, đánh giá cao cố gắng của Hoa Kỳ nhằm triệu tập cuộc họp và hy vọng nó sẽ "thiết lập một quan hệ đối tác toàn cầu để tăng sản lượng và tiếp cận với năng lượng sạch."


"Chúng ta cần phải dựa nhiều hơn vào năng lượng sạch để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", ông nói. Bộ trưởng cũng có kế hoạch đến thăm New Orleans để tìm hiểu bài học dầu tràn của công ty BP nhằm rút kinh nghiệm cho Na Uy, nước có ngành dầu khí gần như hoàn toàn nằm ngoài biển.

 

Các nước tham gia vào các cuộc đàm phán là Úc, Braxin, Anh, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Mexico, Na Uy, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nam Phi, Thụy Điển, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Hoa Kỳ. Ủy viên Năng lượng EU, ông Guenther Oettinger cũng sẽ tham gia hội nghị trong khi bộ trưởng Indonesia đã không thể sắp xếp được lịch trình.

 

Cuộc họp tại Washington đưa ra trong bối cảnh tổng thống Obama đang gây sức ép buộc Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tiên của Mỹ nhằm cắt giảm khí thải carbon. Hạ viện Mỹ đã chấp thuận một kế hoạch tương tự hơn một năm trước đây, nhưng dự luật này đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía Thượng viện.

 

Hồng Nhung (theo rawstory.co)