Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:29 GMT+7
Một báo cáo cho biết tốc độ xây dựng mới các nguồn năng lượng tái tạo tiếp tục bỏ xa tốc độ của các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch tại châu Âu và Mỹ trong năm 2009.
Nghiên cứu dưới sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc cho biết năng lượng tái tạo đã chiếm 60% công suất phát điện mới ở châu Âu. Và ở Mỹ, điện tái tạo chiếm hơn một nửa công suất được xây dựng mới năm ngoái.
Các tác giả còn cho biết thêm năng lượng tái tạo đã được lên kế hoạch để tiến nhanh hơn các nguồn năng lượng thông thường trên toàn cầu vào năm tới.
Báo cáo Tình trạng toàn cầu thực hiện bởi Hiệp hội chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21), cho biết năng lượng xanh đã đạt đến “đỉnh cao rõ ràng" trong năm 2010. Trong năm 2009, "Năng lượng tái tạo chiếm một phần tư công suất điện toàn cầu và đáp ứng 18% nhu cầu điện năng toàn thế giới.”
Các tác giả cho rằng năm 2009 là năm "chưa từng có trong lịch sử của năng lượng tái tạo, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá dầu thấp và tiến độ thực hiện chính sách khí hậu chậm". Thêm nữa, một trong những động lực phát triển của khu vực này là “tiềm năng để tạo ra các ngành mới và hàng triệu công ăn việc làm".
Kết quả nghiên cứu cho thấy các nền kinh tế mới nổi cũng
quan tâm đến các công nghệ mới, đặc biệt là Trung Quốc với việc tăng 37 GW công
suất năng lượng tái tạo trong năm ngoái - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác
trên thế giới. Trung Quốc cũng tận dụng thị trường toàn cầu để tiêu thụ các sản
phẩm năng lượng xanh, sản xuất khoảng 40% các tấm quang điện và 30% tua bin gió
cho toàn thế giới (tăng từ 10% năm 2007).
Bản báo cáo cho biết hơn 100 quốc gia đã đưa ra chính sách
phát triển năng lượng tái tạo, trong khi năm 2005 chỉ có 55 quốc gia. Các tác
giả cũng ước tính rằng khoảng 70 triệu hộ gia đình trên toàn cầu đã lắp đặt hệ
thống bình nước nóng năng lượng mặt trời.
Chủ tịch REN21, ông Mohamed El-Ashry nói: "Chính sách thuận lợi tại hơn 100 quốc gia đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này." "Để xu hướng tăng trưởng năng lượng tái tạo được tiếp tục, nỗ lực chính sách hiện nay cần phải được đưa đến cấp độ cao hơn và khuyến khích phát triển các công nghệ theo quy mô lớn."
Một báo cáo khác được phát hành kèm theo phát hiện của REN21 cho biết năm 2009 chứng kiến sự đầu tư hàng năm cao thứ hai vào năng lượng tái tạo.
Một đánh giá đầu tư toàn cầu cho Chương trình Môi trường
Liên Hợp Quốc (UNEP), thực hiện bởi bộ phận Tài chính Năng lượng mới Bloomberg,
cho biết 162 tỷ USD đã được đầu tư trong năm 2009, giảm 7% từ mức cao kỷ lục là
173 tỷ năm 2008.
Đầu tư giảm là hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các tác giả cho biết năm 2009 là "một trong những năm bật mạnh của năng lượng bền vững" với một mức đầu tư cao kỷ lục vào năng lượng gió, đặc biệt là kết quả của các dự án ở Trung Quốc và Biển Bắc.
Tuy nhiên, tác giả cảnh báo rằng các biện pháp thắt lưng
buộc bụng đưa ra bởi ngày càng nhiều chính phủ trong năm 2010 có thể tạo ra
những thách thức mới với ngành năng lượng tái tạo trong những tháng sắp tới.
Giám đốc điều hành UNEP, ông Achim Steiner thì mô tả năm vừa
qua là năm "phục hồi, thất vọng và quyết tâm.” Ông nói: "Sự hồi phục
có được sau cuộc suy thoái tài chính ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của nền
kinh tế toàn cầu và sự thất vọng rằng, hội nghị Liên Hợp Quốc bàn về biến đổi
khí hậu họp tại Copenhagen không phải là một thất bại nhưng cũng không mang lại
bước đột phá lớn như nhiều người đã hy vọng." Tuy nhiên đã có một quyết
tâm, đặc biệt từ các nước đang phát triển, để biến bất ổn kinh tế hiện tại
thành một “cơ hội cho tăng trưởng xanh".
Michael Liebreich, giám đốc điều hành của Tài chính Năng
lượng mới Bloomberg cho biết, sự ổn định tương đối của khu vực này cho thấy
rằng "năng lượng sạch không phải là một bong bóng được tạo ra ở các giai
đoạn cuối của bùng nổ tín dụng. Thay vào đó, đây một lĩnh vực đầu tư có thể vẫn
còn quan trọng trong nhiều năm tới."
Nhưng ông Steiner cảnh báo: "Tuy nhiên hiện vẫn còn một khoảng cách lớn giữa tham vọng và khoa học về điều mà thế giới cần đạt được vào năm 2020 để tránh hậu quả của biến đổi khí hậu."
Hồng Nhung (theo bbc.co.uk)