Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:16 GMT+7
Theo PGS.TS Lê Nguyên Minh, Giảng viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cũng giống như năng lượng từ gió, nước và mặt trời, năng lượng nguyên tử có thể tạo ra điện năng mà không thải CO2 hay các loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính khác. Sự khác biệt lớn nhất là năng lượng nguyên tử là một sự lựa chọn duy nhất được chứng minh có khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ trên phạm vi toàn cầu.
Năng lượng nguyên tử và các nguồn điện sạch khác như năng lượng mặt trời, gió, sinh nhiệt và địa nhiệt không hề cạnh tranh với nhau, trái lại chúng hỗ trợ lẫn nhau để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân, cho rằng, năng lượng nguyên tử là nguồn năng lượng sạch, Việt Nam phải sớm có được để hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng.
Vẫn theo PGS Lê Nguyên Minh, một nhà máy điện nguyên tử công suất 1.000 MW hàng năm chỉ tiêu thụ 30 tấn nhiên liệu uranium trong khi, với công suất tương tự, nhà máy điện than phải tiêu thụ tới 2,4 triệu tấn than và nhà máy chạy dầu cũng phải tiêu thụ tới 1,4 triệu tấn dầu.
Đặc trưng quý nhất của nguồn năng lượng nguyên tử là nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí CO2, SOx, NOx, gây ô nhiễm không khí.
Hiện nay, số lò phản ứng đang xây dựng ở các nước đang phát triển tại châu Á chiếm tới một nửa số lò phản ứng đang xây dựng trên toàn thế giới bao gồm 4 lò ở Hàn Quốc, 2 ở Trung Quốc, 2 ở Ấn Độ...
Theo Tiền Phong