Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:24 GMT+7
Sản lượng xe máy và ô tô tại thị trường Việt Nam luôn tăng đều hàng năm, gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng giao thông và nhất là ảnh hưởng tới môi trường. Không phải nhà sản xuất nào cũng mặn mà đầu tư công nghệ cho việc sản xuất xe “xanh” vốn đang là xu hướng được quan tâm của công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy trên thế giới.
Xe xanh muốn nhưng không dễ làm
Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô, xe máy trong nước mới chỉ quan tâm đến việc nhập khẩu và lắp ráp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn khí thải euro 2 hoặc 4 theo quy định chứ hầu như chưa hướng đến đầu tư cho những dòng xe “xanh” chạy bằng nhiên liệu sạch. Nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và các chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích đối với doanh nghiệp (DN) để phát triển những sản phẩm này.
Đơn cử, cuối năm 2009 Tập đoàn cổ phần ô tô Trường Hải đã
bày tỏ ý định lắp ráp xe hybrid có động cơ xăng – điện trong mẫu xe du lịch
dưới 5 chỗ sẽ giới thiệu ra thị trường trong tháng 6/2010 nhưng đến thời điểm
này ý tưởng vẫn chưa thành hiện thực. Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn
thì “Xe hybird trang bị động cơ xăng – điện sẽ không phát huy tác dụng với thực
tế điều kiện giao thông hiện nay của Việt Nam. Đó là chưa kể các chính sách thuế
liên quan nhằm khuyến khích xe xanh lại chưa có sự đột biến so với xe bình
thường”.
Theo các chuyên gia ngành ô tô, trên thực tế, để có thể chuyển sang sử dụng động cơ điện, không gây phát thải nhiều cho môi trường như khi sử dụng động cơ xăng thì tốc độ của xe phải được duy trì ổn định trên một chặng đường dài, khoảng vài chục ki lô mét. Tuy nhiên, ở các đô thị của Việt Nam hiện nay khó thực hiện được điều này.
Hiện tại, phát triển xe xanh tại Việt Nam mới dừng lại ở việc giới thiệu các loại xe nhập khẩu có trang bị động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải ở các cấp độ cao, như euro 4, euro 5. Tuy nhiên, ngay cả các dòng xe được xem là xanh này cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc gia tăng mạnh số lượng bởi chất lượng xăng được bán hiện nay không ổn định.
Theo các chuyên gia, muốn có đầu ra đạt tiêu chuẩn khí thải euro 4, euro 5 thì xăng đầu vào cũng phải có những phẩm cấp nhất định, chứ không phải xăng nào vào cũng ra được khí thải euro 4, euro 5. Thực tế, các dòng xe sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải euro 2, đã được thực thi từ năm 2007. Việc chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức độ cao hơn như euro 3 hiện mới đang được khởi động trên các văn bản giấy tờ.
Kiểm tra xe lưu hành để bảo vệ môi trường
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có đề án kiểm tra khí thải đối với ô tô và xe gắn máy đang lưu thông nhằm hạn chế những loại xe quá niên hạn, xả khí thải ảnh hưởng tới môi trường. Hiện cả nước có khoảng 27 triệu xe gắn máy và hơn một triệu ô tô cá nhân, con số này vẫn tăng đều hàng năm và dự báo đến 2030 sẽ có khoảng 3 triệu ô tô với hàng chục triệu xe gắn máy.
Cục Đăng kiểm đã xây dựng Đề án và trình Chính phủ phê duyệt khả năng sẽ thực hiện trong năm nay (giai đoạn từ năm 2010-2011), thí điểm tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đến năm 2012-2013 triển khai tại hai thành phố này, tập trung vào các xe cũ trên 10 năm sử dụng; năm 2014 triển khai tại các thành phố loại 1; năm 2015 tại các thành phố loại 2 và sau năm 2015 sẽ thực hiện trên cả nước. Biện pháp kiểm soát là tiến hành kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc 1 năm/lần, những xe có dán tem, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn mới được phép tham gia giao thông...
Cục Đăng kiểm sẽ thành lập một số trạm kiểm
tra phát thải muội khói ở Hà Nội, TP.HCM và một số thành
phố khác, phạt tại chỗ những xe gây ô nhiễm. Kinh nghiệm
cho thấy, nếu thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng có chất lượng thì sẽ giảm độ phát
thải CO và HC trong không khí từ 20% - 30%.