Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:40 GMT+7

Khó khăn vẫn còn ở phía trước

11/06/2010

Nhiều doanh nghiệp bộc bạch rằng, chỉ đến khi bắt tay thực hiện tiết kiệm năng lượng họ mới nhận thấy bấy lâu nay mình đã bỏ sót một nguồn lợi lớn ngay chính trong nhà mình. Hiệu quả đo được bằng con số hàng triệu, hàng tỷ đồng tiết kiệm tiền điện, cũng đồng nghĩa với việc doanh số và lợi nhuận tăng lên. Tuy nhiên, những vấn đề kỹ thuật và tài chính vẫn còn là những trở ngại và thách thức đối với doanh nghiệp trên con đường thực hiện chính sách lớn này.

Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket đã thực hiện kiểm toán năng lượng, lắp đồng hồ đo lưu lượng nước nóng cung cấp cho hệ thống nồi hơi, bồn chứa nước, thay thế máy móc cũ bằng các thiết bị ứng dụng công nghệ mới và việc này giúp công ty tiết kiệm được hơn 50% lượng điện tiêu thụ, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải ra môi trường.


 000170.jpg


Việc đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản về tài chính


Còn Công ty Fujitsu Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử, máy tính ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai, thì lại thực hiện tiết kiệm điện ở tất cả các khâu trong toàn bộ quy trình sản xuất. Những yêu cầu về sử dụng điện được lập thành quy định của công ty, ví dụ như tắt 50% máy lạnh trong khu vực văn phòng sau 16 giờ, điều chỉnh hoạt động của máy theo mùa, giảm thời gian chạy máy, thay đổi ca sản xuất để tránh giờ cao điểm… Kết quả là mỗi năm Fujitsu tiết kiệm được 6,24 triệu KWh, đem về cho công ty hơn 10 tỷ đồng.


Lợi nhuận ngay từ sân nhà


Lợi ích là thế, và việc tiết kiệm năng lượng cũng đã được thực hiện từ lâu, nhưng phải đến những năm gần đây, khi giá năng lượng ngày càng tăng và nguồn cung không ổn định, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thì họ mới cảm thấy sức nóng hơn bao giờ hết.


Theo các chuyên gia, vấn đề tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam đã được nhắc đến cách đây mười năm và việc triển khai thực hiện đã được bảy năm, từ khi Chính phủ ra Nghị định 102 về vấn đề sử dụng năng lượng có hiệu quả. Đến năm 2006, tiết kiệm năng lượng đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và được các bộ ngành và giới doanh nghiệp rất hưởng ứng.


Thông thường, các doanh nghiệp bắt đầu chương trình tiết kiệm điện của mình bằng việc thay các thiết bị chiếu sáng, máy lạnh, sử dụng hợp lý các thiết bị trong khu vực văn phòng và nhà máy sản xuất. Những động thái này không đòi hỏi chi phí đầu tư cao nhưng mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, giải pháp về công nghệ vẫn là điều mà các doanh nghiệp muốn đầu tư để thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách lâu dài. Theo họ, việc sử dụng các công nghệ cũ tiêu tốn rất nhiều điện năng, nhưng để đầu tư công nghệ mới thì cần nguồn vốn ban đầu là khá lớn, và điều này vẫn là một rào cản khó vượt qua.


 Isuzu (40).jpg


Việc sử dụng hợp lý các thiết bị trong khu vực văn phòng

và nhà máy sản xuất cũng giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp


Hai trong những ngành công nghiệp nặng đang tiêu tốn nhiều năng lượng tại Việt Nam hiện nay là xi-măng và thép. Và theo tính toán của giới chuyên gia, hai ngành này có thể tiết kiệm được khoảng 20% lượng điện tiêu thụ nếu ứng dụng công nghệ phù hợp.


Cụ thể, các nhà máy sản xuất xi-măng có thể áp dụng các công nghệ theo cơ chế đồng phát, nghĩa là thu hồi lượng nhiệt thải ra và sử dụng nó như nguồn năng lượng cho các nhà máy điện nhỏ cấp trở lại cho khâu sản xuất. Một nhà máy xi-măng công suất 20.000 tấn/ngày sẽ có công suất phát điện khoảng 23.000 KWh, nếu được trang bị thiết bị thu hồi nhiệt thải thì tỷ lệ năng lượng thu hồi được để phục vụ lại cho sản xuất sẽ vào khoảng 23%.


Còn các nhà máy thép sử dụng các công nghệ cũ hiện đang tiêu tốn một lượng điện cao hơn 30% so với các nhà máy hiện đại, vì thế lượng điện năng tiết kiệm được thông qua cơ chế đồng phát cũng là rất lớn.


Tuy nhiên, giải pháp công nghệ này, dù được đánh giá cao, nhưng theo các doanh nghiệp là rất khó thực hiện, vì nguồn vốn đầu tư ban đầu rất cao. Đại diện một ngân hàng chuyên cho vay sản xuất tính toán, một doanh nghiệp ngành đúc kim loại sử dụng lò đúc theo công nghệ Trung Quốc tiêu tốn năng lượng cao gấp ba lần so với lò theo công nghệ Mỹ, nhưng nếu đầu tư cho công nghệ mới của Mỹ, thì doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền gấp năm lần so với giá thành xây lò theo công nghệ Trung Quốc. Đối với những dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến ngân hàng sẽ rất khó cho vay vì các khoản vay lớn và thời gian vay kéo dài.


Trong khi giải pháp thay bóng đèn tại các doanh nghiệp chưa giải quyết được vấn đề một cách tổng thể, còn việc đổi mới công nghệ lại gặp nhiều rào cản về tài chính, thì các chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) đã giới thiệu dự án mà tiềm năng tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp lên tới 25%. Dự án này, dự kiến được triển khai từ tháng Sáu, có tên gọi là Sử dụng năng lượng có hiệu quả trong công nghiệp nhờ tối ưu hóa hệ thống và thực hiện các tiêu chuẩn năng lượng, sẽ nhắm vào các doanh nghiệp ngành dệt may, thực phẩm, giấy và bột giấy và cao-su.


UNIDO khuyến nghị việc tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp nên thông qua cách thức quản lý năng lượng trong một cơ sở công nghiệp, cùng với công cụ quản lý ISO, hơn là mua sắm công nghệ mới.


Thị trường lớn nhưng tài chính hạn hẹp


Dù với giải pháp nào đi nữa thì các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu cảm thấy áp lực của việc thực hiện tiết kiệm năng lượng. Hiện nay mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam cao gấp 1,5-1,7 lần so với Thái Lan và Malaysia, vì thế các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh về sản phẩm rất lớn từ hai thị trường này. Tuy nhiên, những rào cản về mặt kỹ thuật lẫn tài chính lại đang gây khó khăn cho họ trong thời gian trước mắt.


Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, mức đầu tư cho việc tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp hiện khoảng 500 triệu đồng, với thời gian hoàn vốn từ một đến ba năm. Có những dự án lớn, như dự án chuyển đổi nhiên liệu của một hãng taxi ở Việt Nam, có kinh phí lên đến 200 tỷ đồng.


Theo các chuyên gia, giới lãnh đạo doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức về tiết kiệm năng lượng và phải kiên quyết thực hiện, vì vai trò của họ quyết định đến 70% sự thành công của công việc này.


Mecs (3).jpg


Thêm một trở ngại nữa, đó là các thiết bị công nghệ cao, nhất là thiết bị liên quan đến việc điều chỉnh tốc độ động cơ, không có độ tin cậy lớn, tuổi thọ chưa cao, nên doanh nghiệp còn phải giải bài toán về hiệu suất và thu hồi vốn. Nói theo lời một chuyên gia, doanh nghiệp e ngại là vì còn thiếu vai trò của nhà tư vấn chuyên nghiệp.


Ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để đổi mới công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nhưng nguồn tài chính vẫn là cánh cửa hẹp đối với họ. Lãi suất của các ngân hàng thương mại quá cao, và ngân hàng thường cho vay ngắn hạn, trong khi nguồn vốn đầu tư cho chương trình tiết kiệm năng lượng phải là trung và dài hạn. Hơn nữa, giới ngân hàng vẫn còn hoài nghi về tính hiệu quả của các dự án cho vay tiết kiệm năng lượng.


Nhiều doanh nghiệp loay hoay đi tìm các nguồn tài chính từ các quỹ hỗ trợ Nhà nước nhưng cũng đành bỏ cuộc bởi lẽ, nguồn tín dụng cho lĩnh vực này vốn đã không nhiều lại khó tiếp cận vì thủ tục rườm rà, trong khi doanh nghiệp lại còn thiếu thông tin.


Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có thể nói là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực cho vay tiết kiệm năng lượng. Cuối tháng Hai năm nay, VDB đưa ra một chương trình cho vay trị giá 40 triệu đô-la Mỹ để thăm dò thị trường, mà theo đánh giá lên đến 2 tỷ đô-la Mỹ.


Tuy nhiên, cũng vì là khoản đầu tư thăm dò lại thêm những giới hạn trong điều kiện cho vay, nên dù lãi suất không cao (9,6%), nhiều doanh nghiệp đành ngậm ngùi đứng ngoài vòng. Chỉ có các doanh nghiệp tiêu thụ điện trọng điểm trong các ngành như thép, xi-măng… mới được vay, với mức tối thiểu là 1 triệu đô-la Mỹ cho một dự án. Phải đến khoảng năm 2012, VDB mới có thể mở rộng dự án với khoản tín dụng lên đến 200 triệu đô-la Mỹ.


Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng đã hoàn tất thủ tục về khoản hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, với khoảng 125 triệu đô-la Mỹ, thông qua một số ngân hàng thương mại. Khoản đầu tư này, theo bà Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc dự án khu vực Mekong của IFC, là như muối bỏ bể, nhưng cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các giải pháp kỹ thuật và tài chính.


Phi Tuấn