Thứ tư, 08/01/2025 | 01:29 GMT+7
So với Việt Nam, thì tài nguyên thiên nhiên ở các nước như Singgapore, Nhật Bản… nghèo nàn hơn nhiều. Cũng chính vì vậy mà họ không khai thác tài nguyên, phát triển công nghiệp tràn lan với những công nghệ lạc hậu rất lãng phí năng lượng, tài nguyên và ô nhiễm môi trường như ở nước ta. Triết lý trong phát triển của họ là “làm từ không thành có”. Bằng chất xám, họ phát minh ra những sáng chế, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao để sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên như: mặt trời, gió, nước, rác thải… thành tiền và bảo vệ môi trường trong sạch để phát triển bền vững. Trong khi đó tài nguyên của nước ta có thể coi là “Rừng vàng biển bạc” và được thiên nhiên ưu ái vô cùng, nhưng lại bị khai thác một cách cạn kiệt, bóc lột đất mẹ và quá lãng phí để rồi ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Và hậu quả bây giờ ai cũng thấy…
Việt Nam phải học tập theo tấm gương như các nước Nhật Bản, Đức, và Singapore trong vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên nhất là nguồn năng lượng - điều kiện không thể thiếu để phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Trong khi nguồn tài nguyên năng lượng của chúng ta từ nước, gió, và nắng thì vô tận, nhưng người dân trên khắp đất nước và cả các doanh nghiệp vẫn chịu cảnh thiếu điện, thiệt hại kinh tế rất lớn.
Tôi đã có dịp được tham gia diễn đàn doanh nhân trẻ toàn cầu tại Indonesia và diễn đàn “Feed The World” có sự tham dự của Ngài Tổng thống Indonesia. Trong vô số các sản phẩm được trưng bày thì ngài đặc biệt quan tâm tới gian hàng triển lãm về giống sắn (khoai mỳ) của tập đoàn Creator Group. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên, vui mừng vì đã tìm được giống sắn sản lượng gấp hơn 5 lần của Việt Nam (60kg/1 gốc cây to nhất). Tôi tò mò và đã đi cùng ông Dion Chủ tịch tập đoàn Creator tới tận trang trại trồng sắn kết hợp nuôi bò thịt và sản xuất Ethanol (cồn nhiên liệu sinh học chưng cất từ sắn khô) cách thủ đô Jakacta 150KM. Thiết nghĩ loại cây trồng này mà được đưa về Việt Nam và trồng ở những vùng đồi núi, trung du, Tây Nguyên… của Việt Nam thì sẽ quá tốt.
Tôi đã đề nghị ông ấy chuyển tài liệu và sang giúp Việt Nam phát triển giống sắn này, kết hợp với chăn nuôi bò thịt, như ở Indonesia đang làm. Trước tiên là cho các dự án nhà máy sản xuất cồn Ethanol của các công ty tư nhân và tập đoàn dầu khí. (Ví dụ như nhà máy Ethanol Bình Phước). Không chỉ cung cấp nguồn năng lượng sinh học khổng lồ, thêm vào đó là lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò thịt lấy phân bón cải tạo đất, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc. Bã thải từ những nhà máy này còn dùng làm phân bón vi sinh cung cấp ngược lại cho cây trồng… Và đặc biệt nó sẽ tạo ra việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân nghèo ở những vùng này.
Việc sử dụng các phế thải từ nông nghiệp (hàng chục triệu tấn/năm) vừa bảo vệ được môi trường bền vững để phát triển kinh tế vừa thu nhiều ngoại tệ từ bán quota giảm phát thải khí CO2 để tái đầu tư, và thu ngoại tệ từ xuất khẩu năng lượng cho các nước ASEAN.
Hiện nay, thu nhập bình quân của nông dân ta vào khoảng gần 50 triệu đồng/ha (trồng sắn 20-40 tấn/ha), nếu chuyển giao giống sắn cao sản hơn 100 tấn /ha trồng tại những vùng đất rộng lớn của ba nước Đông Dương thì thu nhập của nông dân sẽ trên 100 triệu/ha. Đây là tiềm năng sẵn có của ba nước Đông Dương, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng cho chính mình, mà còn đáp ứng đủ lương thực và năng lượng cho sự thiết hụt của các nước ASEAN, tạo sự gắn bó đoàn kết rất tốt trong gia đình ASEAN.
Ngoài ra Indonesia còn một loại cây trồng bảo vệ đất bờ biển chống xói mòn và lấy hạt làm dầu Biodiesel, thân cây cao 5 m làm gỗ sẽ được từng bước chuyển giao, vì đây là những giống đặc biệt mà Indonesia không muốn chuyển giao cho các nước.
Nhà nước phải quan tâm hơn nữa và đầu tư mạnh mẽ cho thế hệ trẻ, thanh niên là trụ cột của đất nước trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhà nước cần có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế với thành phần kinh tế tư nhân. Từ những thanh niên trẻ trải qua muôn vàn khó khăn so với doanh nhân các nước, nhưng họ hết sức năng động, thông minh với những dự án rất nhỏ nhưng hiệu quả về kinh tế xã hội vô cùng lớn, giải quyết được hàng triệu lao động dư thừa của đất nước. Họ cũng sẵn sàng tự bỏ tiền để đi đến các nước tiên tiến trên thế giới, tìm hiểu học tập về khoa học công nghệ cao, hợp tác đầu tư, và tìm những gì tốt nhất mang về phát triển cho tổ quốc. Thế hệ trẻ, doanh nhân trẻ sẽ là những đàn ong cần cù chăm chỉ, thông minh của đất nước, trong đàn ong của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Và chúng có thể tự tin sống trong khu rừng cạnh những con hổ dữ.
Một số đề nghị với Nhà nước và Bộ Công Thương những vấn đề thiết thực, cần phải làm ngay.
1. Thành lập hiệp hội năng lượng tái tạo Việt Nam. (như các nước đã làm, để đoàn kết và tập hợp trí tuệ, sức mạnh, có tiếng nói chung, chính sách, tài chính, và những nguồn lực hỗ trợ kịp thời từ phía nhà nước và các tổ chức quốc tế cho ngành công nghiệp năng lượng sạch, mang lại hàng tỷ đô la cho đất nước).
2. Ưu đãi cấp đất cho hội doanh nghiệp trẻ, cùng với đoàn thanh niên các doanh nghiệp ASEAN và các nhà đầu tư trên thế giới để tổ chức xây dựng 3 khu công nghệ năng lượng sạch tại ba miền để sản xuất các sản phẩm, thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng, nhiên liệu sạch, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cho thị trường trong nước, cộng đồng ASEAN và xuất khẩu.
3. Thu hồi (bồi thường) đất cho nước ngoài thuê, giao lại cho hội doanh nghiệp trẻ và đoàn thanh niên các tỉnh thành thuê lại để trồng sắn, cây lấy dầu, nuôi bò, dê, cừu, cá...(nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, và tập đoàn Dầu Khí đầu tư) để cung cấp nguồn nguyên liệu sắn cho 3 nhà máy Ethanol lớn của tập đoàn dầu khí tại ba miền và 5 nhà máy tư nhân đang cần hàng triệu tấn sắn mỗi năm. Sau đó sẽ hợp tác cùng với Lào, Cambodia, để phát triển vùng nguyên liệu cho lương thực, nhiên liệu xuất khẩu cho các nước ASEAN, sự đoàn kết, giầu mạnh trong khối sẽ bảo vệ được bán đảo Đông Dương tiền đồn của Đông Nam Á.
4. Cắt giảm toàn bộ thuế cho ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và đánh thuế cao các ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, gây ô nhiễm môi trường như các nước phát triển đã và đang làm, để hỗ trợ lại cho năng lượng sạch, nhà nước sẽ thu được những lợi ích rất to lớn từ việc làm này.
5. Sử dụng quĩ đầu tư cho lĩnh vực năng lượng sạch của WB, ADB và các nước giúp Việt Nam cho các doanh nghiệp vay ưu đãi và không lãi suất. Đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo như bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, pin mặt trời, turbine gió, biogas, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...
6. Hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế và Nhà nước cho các hộ dân nghèo vay, mỗi hộ gia đình từ 5-30 triệu đồng để mua bếp đun NLMT và máy đun nước nóng NLMT, điện mặt trời cho chiếu sáng, đèn compact và sản xuất nước sạch, sản phẩm nông nghiệp sạch. Đây cũng là bài toán kích cầu rất tốt và việc này sẽ giảm hàng tỷ đô la của nhà nước cho việc đầu tư các nhà máy điện và đường dây tải điện tới các thành phố và vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo rất tốn kém, lãng phí do tiết kiệm điện tại nơi tiêu thụ, giảm nạn phá rừng lấy củi đun nấu, và các loại nhiên liệu khác, xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả.
Nếu được đầu tư hàng năm bằng 5% doanh thu của tập đoàn dầu khí (15.000 tỷ đồng/năm) vào việc khai thác mỏ vàng năng lượng sạch của đất nước, tôi khẳng định rằng, ngành nhiên liệu và năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng của Việt Nam sẽ là một sự kiện đặc biệt không chỉ của Việt Nam mà còn của cả ngành năng lượng sạch thế giới.
Nó không chỉ tạo ra sự bùng nổ trong xã hội về ý thức, kiến thức bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, tránh được những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra... mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo của giới trẻ. Từ đó nội địa hóa các sản phẩm tạo ra cả triệu việc làm cho thanh niên, sinh viên, các hộ dân nghèo miền núi, nơi biên giới, biển đảo, ngư dân, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội gấp nhiều lần tiền đầu tư, tăng giá trị thặng dư cho sản phẩm nông nghiệp không phải xuất khẩu thô.
Xây dựng ngành công nghiệp năng lượng sạch là thế mạnh sẵn có của Việt Nam cần làm ngay. Để khai thác triệt để tiềm năng vô cùng to lớn và thúc đẩy mạnh mẽ cho các ngành khác phát triển như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, kinh tế biển đảo, biên giới, miền núi vừa đảm bảo về an ninh năng lượng, lương thực và an ninh quốc phòng… để đất nước ta xanh, sạch, đẹp là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu của thế giới. Đó là khát vọng của thế hệ trẻ sẽ quyết tâm làm bằng được, như lời Bác Hồ đã dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Năng lượng sạch, nước sạch, các sản phẩm nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch, môi trường trong sạch, và một đất nước xanh sạch là tương lai không xa của Việt Nam.
Đặng Quốc Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Năng Lượng Dầu Khí châu Á