Thứ bảy, 23/11/2024 | 18:29 GMT+7

Có thật “tiết kiệm điện”?

03/06/2010

PGS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, các thiết bị được quảng cáo trên thị trường có khả năng tiết kiệm điện từ 30 - 40% điện năng, người dùng chỉ cần cắm thiết bị đó vào cùng ổ cắm với thiết bị điện khác, đồng hồ sẽ chạy chậm... là lời nói dối. Thực tế không thể có thiết bị nào như thế, và nếu có thì ngành điện lực đã hô hào người dân nên dùng.

Điện tăng giá, thiếu điện, các cơ quan, doanh nghiệp đã phải thực hành tiết kiệm. Người dân khắp nơi vì sự ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền cũng ra sức tìm cách hạn chế. Tuy nhiên, không phải cứ vác thiết bị dán mác tiết kiệm điện về nhà là đã yên tâm, bởi thực tế đa số sản phẩm không giải quyết được vấn đề. Thậm chí nếu không biết tiết kiệm điện đúng phương pháp sẽ lại trở thành... lãng phí khi phải tốn tiền mua sản phẩm mới...

 

Thiết bị tiết kiệm điện tràn lan không rõ xuất xứ

 

Hiện nay trên thị trường xuất hiện khá nhiều thiết bị điện được quảng cáo là có thể tiết kiệm điện từ 30 - 50%. Do vậy, nhiều người đã bỏ ra không ít tiền để mua loại thiết bị này về sử dụng nhằm giảm chi phí. Song trên thực tế, tác dụng tiết kiệm điện của thiết bị này không được như mong muốn của người tiêu dùng.

 

Bác Ngô Phong (Phố Huế, Hà Nội) sau khi chứng kiến chiếc công tơ điện quay chậm lại khi người bán hàng trên phố Nguyễn Công Trứ nối thiết bị "tiết kiệm điện" giá gần 2 triệu đồng vào ổ điện. Mua thiết bị về dùng, sau một tháng kiểm tra chỉ số đồng hồ, bác vẫn phải trả số tiền như hàng tháng. Bác Phong mang thiết bị đến hỏi lại thì chủ hàng trả lời: "Do hàng nhập nên muốn bảo hành phải gửi ra nước ngoài hoặc chờ... chuyên gia nước ngoài sang".

 

Loại thiết bị tiết kiệm điện dùng cho máy điều hoà nhiệt độ có tên Gold Time Asia - 333 được bày bán trên phố Nguyễn Thái Học quảng cáo giảm điện năng tiêu thụ khoảng 40% từ 23h30 tới 6h30 sáng và 10% đến 20% từ 6h30 đến 23h30, có giá 650.000 đồng.

 

Một chủ cửa hàng khác lại giới thiệu sản phẩm được sản xuất với công nghệ và linh kiện của Mỹ, bảo hành 1 năm, có thể tiết kiệm 20-25% điện năng các loại đồ điện gia dụng, giá bán từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/cái. "Sản phẩm đã được giám định và được cấp phép sử dụng. Cơ chế hoạt động của máy là làm giảm hao tổn về điện ở đường dây của hệ thống điện và thiết bị điện chứ không phải ăn cắp điện" - ông chủ hàng giải thích.


ktdien.jpg


Tại một số cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng có bán một loại thiết bị tiết kiệm điện dùng cho máy điều hòa nhiệt độ không có nhãn mác. Chủ hàng cho biết, đây là "phát minh" của một nhóm kỹ sư trường Bách Khoa, máy hoạt động theo chế độ lập trình sẵn có, sau 23h, nó điều chỉnh để máy lạnh hoạt động chủ yếu chỉ còn chế độ quạt. Giá 700.000 đồng/bộ, gồm cả phí lắp đặt.

 

Ngoài ra còn khá nhiều sản phẩm đều được "gắn" biệt hiệu "tiết kiệm điện" của với nhiều tên gọi và hãng sản xuất khác nhau đều bán với giá trên dưới vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng, khiến người mua lúng túng không còn biết lựa chọn ra sao.

 

Sự thật của các thiết bị "tiết kiệm" này

 

PGS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, các thiết bị được quảng cáo trên thị trường có khả năng tiết kiệm điện từ 30 - 40% điện năng, người dùng chỉ cần cắm thiết bị đó vào cùng ổ cắm với thiết bị điện khác, đồng hồ sẽ chạy chậm... là lời nói dối. Thực tế không thể có thiết bị nào như thế, và nếu có thì ngành điện lực đã hô hào người dân nên dùng.

 

Từng nhiều lần được nhờ kiểm tra khả năng tiết kiệm điện của những chiếc máy kiểu này, thạc sĩ Đào Đức Thịnh, cán bộ giảng dạy ở Khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Tôi cũng nghe nhiều người nói có thiết bị tiết kiệm điện (ý nói là dùng qua thiết bị này sẽ tiết kiệm điện năng cho các phụ tải điện). Tôi đã tìm hiểu nhiều và cho rằng, với công nghệ tiên tiến, các thiết bị điện gia dụng được chế tạo với độ chính xác và tối ưu cao nên cũng tiết kiệm điện năng cho bản thân thiết bị đó, ngoài ra không có một thiết bị nào giúp tiết kiệm điện cho các thiết bị điện gia dụng hết".

 

Cả hai chuyên gia này đều cho rằng, thay vì trông chờ vào những loại thiết bị tiết kiệm điện, người tiêu dùng nên tự có ý thức tiết kiệm bằng cách sử dụng hợp lý các đồ dùng trong gia đình. Tư tưởng dùng mãi đồ điện tử mà không thay là chưa khoa học. Ngoài ra, công nghệ cũ thường tốn điện hơn công nghệ mới.

 

Tại các phố kinh doanh đồ điện, điện tử như phố Hai Bà Trưng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Công Trứ (Hà Nội)..., các chủ cửa hàng cho biết, hiện nay các thiết bị như bóng huỳnh quang siêu tiết kiệm, quạt điện, bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời hay các loại máy giặt tiết kiệm điện... có rất đông khách mua nhưng "cháy" hàng. Và giá của những mặt hàng này không hề rẻ. Giá bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời lên tới... 7 triệu đồng, máy giặt "tiết kiệm nhất thế giới" lên tới 15,6 triệu đồng.

 

Một số mẹo tiết kiệm điện thông thường:


Nên thay thế bóng tuýp béo 40W bằng bóng gầy 32 hoặc 36W sẽ tiết kiệm được 10% điện. Các chấn lưu ballad đã cũ 12W nên được thay bằng loại tiết kiệm năng lượng 6W sẽ giảm 15% điện tiêu dùng.


Các bóng đèn sợi đốt nên được thay bằng các bóng đèn compact. Tivi màn hình CRT tốn điện hơn màn hình LCD. Tủ lạnh dùng lâu sẽ không kín và tốn năng lượng hơn.


Bình nóng lạnh thế hệ mới có động cơ nén và biến tần sẽ giảm được 30% điện năng. Vệ sinh thiết bị đều đặn giúp tăng năng suất của máy. Như điều hoà nhiệt độ sẽ mau mát hơn, bình nóng lạnh sạch sẽ nhanh nóng hơn.


Rút thiết bị khỏi phích cắm khi không sử dụng tránh tốn điện lưu trong máy. Ví dụ máy điều hoà không tắt nguồn có thể tốn bằng một bóng điện 15W mỗi ngày.


Chọn thiết bị phù hợp chứ không "tham" công suất, phòng bé mà dùng loại điều hòa có PTU quá lớn gây lãng phí, sử dụng các loại quạt công suất lớn vừa gió mạnh hại sức khoẻ lại tốn điện. Tận dụng ánh sáng mặt trời, nên mở cửa sổ kéo rèm tận dụng ánh nắng ban ngày hoặc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời.

 

Trần Quang