Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:37 GMT+7

8 tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

28/05/2010

Hiện dự án ĐHN tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi và xúc tiến tìm đối tác tư vấn. Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà máy ĐHN cấp Nhà nước để chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các công việc liên quan đến nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.

TS. Vuong huu tan.jpgTS Vương Hữu Tấn cho biết, Chính phủ đã chọn Nga làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên. Nhiều nước khác cũng đang đặt mua công nghệ điện hạt nhân của Nga, và nước Nga phát triển mạnh mẽ ĐHN công nghệ lò nước nhẹ.

Ngoài việc độ an toàn đã được IAEA đảm bảo, giá công nghệ ĐHN lò nước nhẹ của Nga so với các nước khác ra sao, thưa ông?


Giá cả công nghệ của Nga được đánh giá tương đương với của các hãng khác trên thế giới. Với mức công suất 2.000 MWh đều được chào hàng với giá gần 8 tỷ USD.


Tiến trình xây dựng nhà máy ĐHN hiện nay đã đến đâu? Khó khăn nhất trong việc thực hiện dự án sẽ là gì?


Hiện dự án ĐHN tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi và xúc tiến tìm đối tác tư vấn. Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà máy ĐHN cấp Nhà nước để chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các công việc liên quan đến nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.

Sẽ có 7 dự án thành phần liên quan đến việc triển khai dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 như xây dựng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực, thông tin đại chúng…


Đây là dự án đầu tiên nên có rất nhiều khó khăn như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thu xếp tài chính, xây dựng hệ thống luật pháp, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống tổ chức…


Chẳng hạn, Việt Nam mới chỉ có Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 và 2 nghị định hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, Nghị định về Nhà máy ĐHN vẫn đang xây dựng.


Dưới nghị định, còn rất nhiều thông tư cần ban hành… Riêng vấn đề pháp lý đã là cả khối lượng công việc khổng lồ. Hiện nay các cơ quan có liên quan đang tổ chức triển khai thực hiện.


Công nghệ cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đã được xác định, còn các nhà máy khác thì sao, thưa ông?


Tất nhiên, chúng ta không chỉ xây dựng một nhà máy ĐHN. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Việt Nam mở thêm 8 - 10 địa điểm xây dựng ĐHN nữa. Tổ máy đầu tiên đã lựa chọn công nghệ của Nga. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội để triển khai ngay các nhà máy tiếp theo. Vì vậy cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ĐHN vẫn mở ra cho nhiều đối tác đến từ các nước khác.


dienhatnhan1.jpg

Nhà máy điện hạt nhân Smolensk ở Nga


Ngoài mong muốn cung cấp công nghệ, các nhà thầu cũng muốn tham gia dự án tiếp theo hoặc tham gia vào công tác tư vấn về xây dựng báo cáo đầu tư, giám sát công trình, tư vấn đánh giá dự án, cung cấp thiết bị phục vụ đào tạo… Vì sau khi lựa chọn Nga làm đối tác cung cấp công nghệ thì vẫn phải có những tổ chức tham gia tư vấn, giám sát.


Tiến triển đào tạo nguồn nhân lực cho vận hành nhà máy ĐHN đã đến đâu, thưa ông?


Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT đã ký với tập đoàn Nhà nước và ĐHN của Nga về đào tạo nguồn nhân lực và bắt đầu từ năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ gửi đi đào tạo khoảng 40 người. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn như Bộ KH-CN cũng đang xem xét để gửi cán bộ đi đào tạo, cán bộ quản lý theo các chương trình đào tạo riêng.


Vậy bao giờ Việt Nam có thể sử dụng điện từ nhà máy ĐHN?


Có thể nói hiện đang có rất nhiều việc đang được triển khai thực hiện cho kịp tiến độ vào năm 2014 sẽ xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên và sau năm 2020 tổ máy đầu tiên có thể phát điện được.


Xin cảm ơn ông!

 

Theo Baodatviet.com.vn