Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:54 GMT+7
* Trung Quốc cố gắng tái cấu trúc lĩnh vực phát điện nhằm gia tăng quyền lực kinh tế.
Theo chuyên gia Edwin Chen của ngân hàng đầu tư Credit Suisse, những dự án nhà máy điện mới đang bùng nổ tại Trung Quốc giúp nước này chiếm đến 80% công suất phát mới trên toàn thế giới. Công suất phát mới của Trung Quốc trong năm nay đã vượt qua tổng sản lượng của Brazil, Ý và Anh. Người ta ước tính đến năm 2012, sản lượng điện hàng năm của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ để dẫn đầu thế giới.
Một nhà máy điện chạy bằng than ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Ngày 26.4.2010, công ty năng lượng Hoa Năng, công ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc, khánh thành một lò phản ứng hạt nhân trên đảo Hải Nam. Tuần trước, Hoa Năng thông báo công suất phát điện của công ty này tăng đến 40% trong quý 1 vừa qua.
Tương tự, Datang International Power, công ty năng lượng lớn thứ hai Trung Quốc cho biết sản lượng của công ty này cũng tăng 33% trong quý 1 vừa qua. Tốc độ tăng trưởng khủng khiếp như thế thường rất hiếm gặp ở hầu hết các quốc gia, nhưng lại hết sức phổ biến tại Trung Quốc.
Những chuyển biến nhanh chóng như thế có được nhờ chính quyền trực tiếp can thiệp rất nhiều. Tại Trung Quốc, các công ty năng lượng của nhà nước nắm giữ hoàn toàn lượng điện năng cung cấp. Cụ thể là năm công ty năng lượng lớn nhất của chính phủ đang chiếm 45% lượng cung cấp điện năng trên cả nước. Và 55% còn lại cũng do các công ty nhỏ hơn của chính phủ nắm giữ.
Thế nhưng hầu hết các nhà máy điện của chính phủ đều lỗ trong năm 2008, và năm 2009 lợi nhuận rất thấp, dù họ được sự hỗ trợ nhiều từ chính sách giảm thuế của chính phủ. Trong tương lai, khả năng sinh lãi của các công ty này cũng chưa có gì hứa hẹn. Tuy vậy, chính phủ một lần nữa tích cực huy động nguồn vốn lãi suất thấp từ các ngân hàng trong nước để giúp các công ty năng lượng đầu tư phát triển, nhằm tiếp tục tăng nhanh công suất phát.
Bên cạnh việc điện khí hoá nông thôn, chính phủ Trung Quốc
tăng cường công suất phát điện để thu hút giới đầu tư nước ngoài bằng nguồn
điện giá rẻ, chất lượng. Nhờ đó, Trung Quốc có thể trở thành điểm đến đầu tư
hấp dẫn hơn các nước đang phát triển khác có nguồn nhân công giá rẻ như
Để đạt được mục tiêu trên, song song với việc giảm dần tình trạng tiêu thụ điện năng hoang phí, Trung Quốc phát triển các hình thức phát điện khác để thay thế điện năng truyền thống. Hiện tại, việc lệ thuộc các loại điện năng truyền thống khiến Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn từ giá than, dầu hỏa, khí tự nhiên và bị ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn.
Trong thời gian tới, điện sản xuất từ than đá vẫn được sử dụng nhưng tỷ lệ của nó trong tổng số điện năng tiêu thụ sẽ giảm từ 75% xuống 65%. Tương tự, thủy điện vốn gây nhiều tác hại môi trường tuy được mở rộng hơn một nửa, nhưng tỷ lệ của nó cũng giảm bớt, từ 21% xuống 20%. Ngược lại, năng lượng gió sẽ được mở rộng để tăng tỷ lệ từ 3% lên 7% và điện hạt nhân tăng từ 1% lên 5%. Trong mười năm tới, nước này dự định chi hơn 150 tỉ USD để phát triển điện hạt nhân. Hiện tại, Trung Quốc có 21 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng.
Trung Quốc cũng ra sức “nội địa hóa” các thiết bị, công nghệ dùng cho sản xuất điện bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các công ty địa phương nếu muốn hoạt động tại Trung Quốc. Họ cũng đang muốn du nhập nhiều hơn bí quyết sản xuất điện hạt nhân từ bên ngoài và sau đó lại dùng chính điện năng làm quyền lực kinh tế cho mình.
Theo The SGTT