Thứ tư, 06/11/2024 | 07:12 GMT+7

Những quan niệm sai lầm khi tiết kiệm điện

22/04/2010

Giá điện tăng khiến nhiều gia đình cuống cuồng tìm cách tiết kiệm điện. Theo PGS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội), tại một số địa điểm có bán các thiết bị được quảng cáo có khả năng tiết kiệm điện từ 30 - 40% điện năng. Đó chỉ là cách lừa bịp, không thể có thiết bị nào như thế.

Không tin vào thiết bị tiết kiệm điện trôi nổi

 

Theo PGS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội), tại một số địa điểm có bán các thiết bị được quảng cáo có khả năng tiết kiệm điện từ 30 - 40% điện năng. Chỉ cần cắm thiết bị đó vào cùng ổ cắm với thiết bị, đồng hồ sẽ chạy chậm...

 

Tuy nhiên, PGS Doanh khẳng định, đó chỉ là cách lừa bịp, không thể có thiết bị nào như thế. Người dân không nên tin, bởi nếu có thì các trung tâm tiết kiệm năng lượng đã khuyến cáo nguời dân nên dùng, bản thân Trung tâm đo lường Chất lượng cũng chưa có thông báo nào là có sản phẩm tiết kiệm điện kiểu này.


nhungquanniemsailam.jpg


"Trước đây cũng đã có người tự xưng là kỹ sư điện đưa thiết bị loại này đến nhờ khoa giám định. Khi kiểm tra thì thiết bị chẳng khác gì cục gạch, không có chức năng tiết kiệm mà còn gây tốn điện hơn", PGS Doanh chỉ rõ.

 

Cũng theo vị này, hiện có các đồ điện như tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, trong đó dùng động cơ nén thế hệ mới và công nghệ biến tần có thể tiết kiệm 20% điện năng so với tủ lạnh và điều hòa thế hệ cũ.


Mất nhiều hơn được


Theo GS Nguyễn Trọng Thuần, Giám đốc Công ty Kỹ thuật Hệ thống Bách Khoa, hiện nhiều gia đình đang tiết kiệm điện sai khoa học. "Tiết kiệm được một ít điện nhưng hậu quả của tiết kiệm lại cao hơn giá trị tiết kiệm được".

 

Để tiết kiệm điện các gia đình nên sử dụng thiết bị điện có công suất thích hợp, ưu tiên chọn các thiết bị thế hệ mới. Ví dụ, nhiều gia đình tiết kiệm bằng cách dùng bóng đèn công suất ít hơn, không dám sử dụng điều hòa khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng như mắt cận, mệt mỏi do nóng... Lúc này tiền đi viện chữa bệnh nhiều hơn tiền tiết kiệm điện. Cũng không loại trừ gia đình để các chế độ tủ lạnh quá yếu khiến thực phẩm bị hỏng...

 

Cũng theo PGS Lê Văn Doanh, hiện nay ở Việt Nam một số người vẫn còn tư tưởng dùng mãi đồ điện tử thế hệ cũ mà không thay bằng thiết bị công nghệ mới là chưa khoa học. Theo nguyên lý các đồ điện thế hệ cũ như ti vi đèn hình ống tia điện tử, đèn hình plasma tiêu thụ điện nhiều hơn đèn hình LCD, LED khi cùng kích cỡ. Nếu có điều kiện kinh tế bạn nên thay bằng thiết bị thế hệ mới tiết kiệm điện hơn.

 

Cách tiết kiệm hợp lý

 

Các chuyên gia khuyên, để tiết kiệm điện các gia đình nên sử dụng thiết bị điện có công suất thích hợp, ưu tiên chọn các thiết bị thế hệ mới.

 

Trong lĩnh vực chiếu sáng nên thay đèn ống thế hệ cũ (đèn ống béo 40W) bằng đèn ống gầy 36W nhưng quang thông tăng 20%, nên sử dụng chấn lưu sắt từ tổn hao thấp (6W so với chấn lưu thông dụng 10W), chấn lưu điện tử (2W). Thay các bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact có cùng quang thông nhưng công suất tiêu thụ giảm đi 4 lần.

 

Trong các loại đồ điện đốt nóng nên dùng bếp từ, lò vi sóng có hiệu suất nhiệt cao. Khi rất cần thiết mới sử dụng lò nướng điện trở vì hiệu suất thấp. Sử dụng rộng rãi thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

 

Không nên mua tủ lạnh quá to, chọn mua điều hòa nhiệt độ thế hệ mới có BTU phù hợp với diện tích phòng, khi sử dụng nên đặt nhiệt độ vừa phải (25 độ C). Nên nhớ là giảm nhiệt độ đặt 1độ C sẽ tiết kiệm 5% điện năng tiêu thụ.

 

Tắt nguồn thiết bị điện khi không sử dụng. Nếu lâu không dùng hãy rút phích để tránh tốn điện lưu trong máy. Ví dụ, máy điều hòa không tắt nguồn có thể tốn bằng một bóng điện 15W mỗi ngày. Nên giữ sạch sẽ các đồ điện, định kỳ lau phin lọc của điều hòa nhiệt độ.


Nguồn: HĐH