Thứ tư, 15/01/2025 | 18:09 GMT+7

Hiện thực hóa ý tưởng khai thác năng lượng biển ở Việt Nam

25/02/2010

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm vào khoảng 7%, nhu cầu về điện của Việt Nam ngày một lớn. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày một cao, các nhà khoa học Việt Nam đang tính đến việc sử dụng nguồn năng lượng biển dồi dào cho điện lực.

Với hơn 3.000 khi bờ biển, Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng lớn trong việc phát triển nguồn năng lượng từ biển cho sản xuất điện. Nguồn năng lượng này hay còn gọi là năng lượng tái tạo đến từ thủy triều, gió, chênh lệch nhiệt, dòng chảy và sóng. Trong đó năng lượng gió và sóng là những nguồn năng lượng được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhất ở Việt Nam.

Đánh giá về tiềm năng năng lượng biển tại Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng, năng lượng biển của Việt Nam rất lớn, nhất là mnăng lượng khai thác từ sóng và gió biển. Để có thể sử dụng năng lượng biển vào việc phát điện, theo các chuyên gia, trước mắt Việt Nam có thể nhập các thiết bị từ nước ngoài về để sản xuất điện, trong khi đó sẽ tiến hành nghiên cứu và dần dần đi đến tự chế tạo các thiết bị này. Trước mắt, cũng đã có một số nghiên cứu về máy phát điện từ sóng biển do các sinh viên Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

So sánh giữa việc phát triển các dự án khai thác năng lượng biển với các dự án thủy điện, các nhà khoa học cho rằng, khai thác năng lượng biển khó phát triển hơn. Tuy nhiên, khai thác năng lượng biển sẽ ưu việt, hiệu quả hơn cả về lâu lẫn về dài. Một là nó an toàn hoàn toàn, hai là công nghệ không khó, thứ ba là nguồn năng lượng sạch, thứ tư là góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền đát nước

So với điện hạt nhân thì trước đây năng lượng sóng khó khăn về công nghệ, nhưng giờ đây, thế giới đã đạt được những thành công công nghệ vượt trội. Thậm chí, điện hạt nhân và nhiệt điện dần trở thành lạc hậu bởi suất đầu tư lớn và vấn đề an toàn hạt nhân.

Theo một số nghiên cứu mới đây, thì giá thành sản xuất điện từ năng lượng biển chỉ rẻ bằng 30%  so với nhiệt điện. Tuy nhiên, cho đến giờ, việc sử dụng nguồn năng lượng từ biển để phát điện ở Việt Nam vẫn còn khá mới. Nguồn năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng biển mới chỉ chiếm trên 1% tổng công suất điện của Việt Nam. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia năng lượng, mức độ huy động tối đa khả năng các nguồn năng lượng nội địa của Việt Nam tới năm 2020 có thể đạt 165 tỷ KWh, trong đó năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 4% còn lại là thủy điện và nhiệt điện. Khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu khoảng 36 đến 65 tỷ KWh.

Dự kiến đến năm 2012 Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than với số lượng lớn để sản xuất điện. Trữ lượng dầu mỏ giảm dần kể từ năm 2030 trở đi. Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận với công suất 4,000 MW đến năm 2020. Nhưng theo tính toán thì đến lúc đó Việt Nam vẫn còn thiếu điện và vẫn phải nhập khẩu điện. Vì vậy, phát triển những dự án khai thác năng lượng biển không còn là một ý tưởng xa vời.

Ông Nguyễn Xuân Định, Vụ trưởng vụ năng lượng, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã có lộ trình phát triển 4% năng lượng tái tạo đến năm 2020. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện lộ trình tăng giá điện để có nguồn tài chính tái đầu tư vào các dự án điện. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng biển./.

(Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản)