Thứ tư, 06/11/2024 | 12:48 GMT+7
Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện đang sử dụng hơn 2.000 lò hơi các loại, có công suất từ 1 tấn/giờ đến 300 tấn/giờ trong đó chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp. Phần lớn lò hơi đang sử dụng đều có hiệu suất năng lượng thấp nên lượng khí độc hại do đốt nhiên liệu thải vào môi trường cao. Theo nghiên cứu gần đây của Bộ Công nghiệp, do công nghệ lò hơi lạc hậu nên mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm lớn. Vì vậy, việc nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng đối với lò hơi đang là vấn đề được các DN quan tâm, nhất là khi giá nhiên liệu có xu hướng ngày càng tăng.
Có nhiều biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong hệ thống lò hơi liên quan đến quá trình đốt, truyền nhiệt, hao hụt năng lượng, giảm mức tiêu thụ điện của thiết bị phụ trợ. Cụ thể là: Vận hành hệ số không khí thừa ở nhiệt độ thích hợp; Gia nhiệt nước cấp sử dụng bộ tiết kiệm nhiệt; Gia nhiệt không khí đốt thay thế việc làm nóng nước cấp; Điều tiết xả hơi tự động; Giảm đóng cặn và tạo bồ hóng ở các lò hơi đốt than và dầu; Giảm áp suất hơi nước của lò hơi…
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) đã phối hợp với Tổ chức năng suất châu Á APO thực hiện dự án “Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của các máy móc, thiết bị tại Cty cao su Sao Vàng” là đơn vị chuyên sản xuất săm lốp và các sản phẩm cao su. Hệ thống máy móc của Cty vận hành đã lâu nên mức tiêu hao năng lượng rất lớn, đồng thời các thiết bị không đồng bộ nên hiệu suất sử dụng cũng như tiết kiệm năng lượng rất thấp. Các chuyên gia tư vấn của VPC đã đưa ra một số biện pháp tiết kiệm như: Tận dụng nước xả lò hơi, lắp đặt bộ hâm cho lò hơi đốt dầu, tính toán tiết kiệm do mất bảo ôn, tận dụng nước làm mát…Qua tính toán của các chuyên gia cho thấy nếu áp dụng những biện pháp trên sẽ giảm được chi phí đáng kể. Một trong những biện pháp đó là điều chỉnh khí cấp lò hơi, chi phí đầu tư chỉ mất dưới 1.000 USD, mỗi năm tiết kiệm được 21.168 USD và thời gian hoàn vốn khoảng 5 tháng. Hay như biện pháp thu hồi nước ngưng, đầu tư cho cả 4 hệ thống là 25.000 USD mỗi năm tiết kiệm được 42.720 USD và thời gian hoàn vốn nhanh …
Các chuyên gia tư vấn cho biết: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của một DN không chỉ đánh giá ở lượng tiêu thụ năng lượng mà cả về hiệu quả kinh tế đạt được nhờ việc cải tiến các quá trình quản lý, thay đổi hoặc hiện đại hóa thiết bị. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: Tuổi thọ trung bình của thiết bị, trình độ công nghệ, loại nhiên liệu sử dụng, mức độ cơ khí, tự động hóa và nhận thức của người lao động về việc sử dụng năng lượng. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng được đánh giá theo 3 mức: Dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
Ông Trịnh Minh Thông, phó ban tiết kiệm năng lượng Cty cho biết: Các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong 3 năm qua đã làm lợi cho Cty chúng tôi 6,5 tỷ đồng trong khi chi phí đầu tư cho chương trình tiết kiệm chỉ có trên 700 triệu đồng. Đồng thời chương trình này vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả lâu dài và không ngừng nâng cao ý thức tiết kiệm của CBCNV trong toàn Cty.
Để thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng, VPC luôn hỗ trợ DN đánh giá tình hình sử dụng năng lượng tại DN; đào tạo nâng cao nhận thức của CBCNV trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; đề xuất các giải pháp tiết kiệm bằng cách tính toán chi phí- những lợi ích tốt nhất, đồng thời giám sát việc thực hiện các giải pháp đã được thống nhất…
Có thể nói, tiết kiệm năng lượng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của DN và cần được triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Bởi công nghiệp phát triển, nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, việc tiết kiệm năng lượng không những mang lại lợi ích cho chính DN mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
(Nguồn: HNM)