Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:30 GMT+7
Theo số liệu của Viện Năng lượng, cho đến nay, nước ta vẫn còn khoảng gần một triệu hộ dân ở các khu vực miền núi cao và trên các đảo nhỏ chưa thể có điện. Đa số dân cư khu vực này là các dân tộc ít người, cuộc sống còn nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập rất thấp và định cư rải rác thành từng bản, làng nhỏ trên các sườn đồi, khe suối hay thung lũng. Đường giao thông đến các bản, làng vẫn chủ yếu là đường mòn, cheo leo, mà phần lớn chỉ có thể đi bộ hay đi ngựa.
Trên các đảo dân cư tuy sống tập trung hơn, nhưng số lượng các hộ của một làng cũng không nhiều. Nhu cầu về điện của người dân nơi đây chủ yếu vẫn chỉ để chiếu sáng, xem tivi và nghe đài... Theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, một trong các giải pháp hàng đầu nhằm tạo điều kiện phát triển KT-XH và bảo đảm công bằng xã hội cho khu vực này là cung cấp điện. Thực hiện kế hoạch này, đến năm 2020, tỷ lệ hộ được cấp điện đạt 100%.
PGS.TS Đặng Đình Thống cho rằng, với các đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội của bộ phận dân cư nói trên và để đạt mục tiêu 100% hộ dân có điện vào năm 2020, thì phương án tối ưu nhất để cung cấp điện là sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo địa phương, như thủy điện nhỏ (TĐN), điện mặt trời (ĐMT), điện gió, điện từ khí sinh học... Thực tế đã cho thấy, TĐN là nguồn rẻ nhất. Nhưng TĐN cần phải có nguồn nước chảy (sông, suối nhỏ).
Trong khi đó, trên các đảo thì hoàn toàn không có sông suối. Còn ở khu vực miền núi, thường các nguồn nước lại ở xa các hộ và mỗi năm cũng chỉ có một số tháng là đủ nước. Vì vậy mà khả năng cấp điện bằng TĐN cho các hộ nói trên không nhiều. Trong khi đó, với ưu thế của một nước trong vùng nhiệt đới, nước ta có nguồn năng lượng mặt trời (NLMT) khá cao, trung bình khoảng 4,5kwh/m2/ngày và 2.200 giờ nắng/năm. Năng lượng mặt trời lại có khắp nơi. Ngoài ra, hệ thống ĐMT rất đơn giản; vận chuyển, lắp đặt, vận hành dễ dàng; hoạt động tin cậy, có ánh sáng mặt trời dù nhiều dù ít đều phát điện; không cần nhiên liệu; không cần dây tải điện; và tấm pin mặt trời lại có tuổi thọ trên 20 năm.
“Với các ưu điểm nổi trội đó, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho ĐMT còn khá cao, nhưng việc ứng dụng các hệ thống ĐMT cho bộ phận dân cư nói trên vẫn là một lựa chọn tốt” - PGS. TS Đặng Đình Thống khẳng định. Ông phân tích, mỗi hệ ĐMT gia đình có giá khoảng 10 triệu đồng. Nếu 60% các hộ chưa có điện nói trên được lắp đặt hệ ĐMT thì tổng chi phí đầu tư cũng chỉ là 600 tỷ đồng, một con số nhỏ khi so với các chi phí đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới. Vì vậy theo chúng tôi, nhà nước cần sớm giúp đỡ nguồn kinh phí đầu tư ban đầu, để bà con đồng bào dân tộc khu vực miền núi cao, hải đảo sớm có nguồn ĐMT, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần, bảo đảm công bằng xã hội.
Để hệ thống ĐMT hoạt động có hiệu quả ở những khu vực khó khăn này, cần có sự hướng dẫn và tài liệu hướng dẫn cách vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ ĐMT thật tỷ mỉ cho các hộ sử dụng. Ngoài ra cũng nên nghiên cứu cải tiến các thành phần của hệ thống ĐMT để việc sử dụng đơn giản hơn, tiện lợi hơn, nhưng hiệu quả cao hơn, như lắp các bộ biến đổi điện công suất nhỏ để có thể sử dụng các đồ điện thông thường, sẵn có ở mọi nơi và sử dụng các loại ắc qui đóng kín không cần phải thêm dung dịch...
Có thể nói, ĐMT vẫn là một lựa chọn tốt và đối với nhiều hộ gia đình vùng sâu, vùng xa và ở một số địa phương nó còn là lựa chọn duy nhất để cấp điện cho khu vực dân cư này. Nếu được sự quan tâm của Nhà nước thì chỉ trong vòng vài năm là 100% hộ dân chưa được sử dụng điện hiện nay sẽ sớm có điện mà không cần chờ đến năm 2020.
(Nguồn: TKNL)