Thứ tư, 06/11/2024 | 18:22 GMT+7
Theo tính toán của Văn phòng tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), một máy photocopy khi khởi động tiêu tốn 923W; làm việc tốn 123W; nhưng khi ở chế độ chờ ngốn 29,5W; nếu tắt công tắc mà không rút phích điện vẫn "ăn" 6,5W. Còn với một máy tính để bàn, khởi động tốn 100W; chế độ làm việc 110W; chế độ chờ, không làm việc là 104,5W; chế độ màn hình bảo vệ 101W; tắt màn hình khi đang chờ là 60,6W; tắt máy không rút phích 5,6W... Nhìn vào tính toán này, nếu chỉ tắt máy tính, máy photocopy mà không rút điện, với một văn phòng lớn có hàng trăm chiếc máy như thế thì lượng tiêu thụ điện vẫn rất lớn. Chưa kể nhiều nơi nhân viên quên tắt máy, hoặc có tắt cũng không ngắt nguồn.Lời khuyên được đưa ra, nếu không dùng đến hoặc kết thúc ngày làm việc, không chỉ tắt máy mà nên ngắt hẳn nguồn điện đối với các thiết bị này.
Văn phòng tiết kiệm năng lượng cũng đưa ra lời khuyên hữu ích có thể tiết kiệm được lượng điện năng lớn ngay từ khi mua sắm thiết bị. Đầu tiên là không nên mua loại thiết bị cũ, đã qua sử dụng thời gian dài vì những thiết bị này thường tiêu tốn năng lượng nhiều hơn các thiết bị mới, chi phí bảo trì, sửa chữa cũng theo thời gian mà ngày càng tăng cao. Nên mua các thiết bị mới vì luôn có các tính năng ưu việt hơn so với các thiết bị thế hệ cũ. Nên lựa chọn loại thiết bị có công suất tiêu thụ năng lượng ít và có các chế độ tiết kiệm năng lượng.Cho dù có mua thiết bị mới, công nghệ tối tân và ít tiêu hao điện năng nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò then chốt. Mỗi người sử dụng nên nâng cao ý thức tiết kiệm chung, tiết kiệm cho tập thể, như thế không chỉ giảm chi phí cho cơ quan, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn trực tiếp tác động tích cực đến đời sống từng người.
(Nguồn: Giadinh.net)