Thứ năm, 16/01/2025 | 00:00 GMT+7

Cất giữ năng lượng tại đảo san hô nhân tạo

26/03/2009

Điện từ các tấm pa-nô thu năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió đưa nước biển vào những hồ chứa khổng lồ. Lượng nước này sau đó sẽ được dùng để tạo ra điện những lúc không có gió và ánh nắng mặt trời. Toàn bộ hệ thống không hề thải ra không khí một lượng CO2 nào dù nhỏ nhất.

Năng lượng tái sinh, như năng lượng gió và mặt trời, có một nhược điểm là gián đoạn. Khi mặt trời bị mây che lấp, hoặc gió quá yếu hay quá mạnh, làm giảm năng suất sản sinh điện, các nhà sản xuất điện năng lại phải nhờ đến các nhà máy điện chạy bằng than đá, khí tự nhiên hay dầu mỏ để tạm thời phát điện. Việc này sẽ thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2 mà việc sử dụng năng lượng tái chế đang cố tránh.

Để giải quyết vấn đề này, một kỹ sư người Pháp nổi tiếng thế giới về đập nước, Francois Lemperiere, đã đề xuất giải pháp tạo ra các trạm chung chuyển năng lượng thông qua các máy bơm, hay còn gọi là STEP. Ông đề xuất xây dọc bờ biển các đảo san hô vòng nhân tạo, nói cách khác, là những hồ chứa nước khổng lồ rộng hàng chục km vuông, được ngăn bằng các con đập, có thể cao từ 50 – 100 mét trên mực nước biển.

Theo ông Lemperiere, vào những thời điểm tiêu thụ điện năng giảm (như về đêm, hoặc mùa hè...), lượng điện sản xuất thừa sẽ được dùng để bơm nước biển vào các hồ chứa. Lượng nước này sau đó sẽ được dùng để tạo điện trong những ngày không có nắng hoặc lặng gió, thậm chí vào mùa đông khi nhu cầu về điện tăng cao vì phải chạy máy sưởi. Toàn bộ hệ thống này không hề thải vào không khí một lượng khí CO2 nào dù nhỏ nhất.

Theo đánh giá của một báo cáo trình Văn phòng Nghị viện Pháp, giải pháp trên sẽ giúp đạt được mục tiêu của châu Âu đến năm 2020, sản xuất ra ít nhất 20% năng lượng tiêu thụ dưới dạng tái chế được.

Tuy nhiên, chuyên gia Lemperiere cho biết thách thức không phải là về công nghệ mà về kinh tế. Theo tính toán của ông, để xây một đảo san hô rộng 23km vuông, cao 90m trên mặt nước biển, có thể giúp tạo ra 160 GW/h điện, sẽ tốn gần 6 tỷ euro. Tức là tương đương với việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng một đảo san hô như vậy sẽ cho phép bù lại lượng điện mà công viên năng lượng gió của Pháp, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, không thể tạo ra được trong vòng một ngày rưỡi (khoảng 25 GW điện) nếu thiếu gió hoặc gió quá mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ý tưởng này nên được thử nghiệm ở một nước khác trước khi đem áp dụng tại Pháp./.

(Nguồn: Báo điện tử Tổ quốc)