Thứ tư, 06/11/2024 | 20:29 GMT+7
Giải pháp đầu tiên được nhiều người tính đến, cũng như ở trong các tài liệu tuyên truyền ngành điện đề xuất, là triệt để chống lãng phí điện năng, chú ý tắt giảm các nguồn điện, thiết bị dùng điện khi chưa dùng đến.
Thứ hai là cố gắng thay thế những thiết bị điện công suất lớn bằng những thiết bị công suất nhỏ hơn, chuyển qua dùng các loại bóng điện tiết kiệm năng lượng trong gia đình. Thứ ba, hạn chế dùng điện giờ cao điểm, sử dụng các thiết bị điện ở mức phù hợp như không vặn hết công suất, tận dụng các chế độ điều khiển thiết bị nghỉ, chờ trong mọi điều kiện cho phép.
Ông Lê Phước Chín, Giám đốc Công ty TNHH Lê Phước cho biết, tất cả những giải pháp lý thuyết trên đều hữu hiệu, song quan trọng là người tiêu dùng phải có thói quen vận dụng thỏa đáng. Hơn nữa, mục tiêu tiết kiệm điện năng sẽ chỉ hiệu quả khi mức tiêu hao điện giảm song chất lượng sử dụng điện theo nhu cầu vẫn bảo đảm. Đó chính là mấu chốt để các giải pháp thuyết phục được người tiêu dùng.
Để đánh giá đúng mức các giải pháp tiết kiệm đó, theo ông Chín, nên thử ứng dụng 2 hướng thay đổi. Một là kiểm tra tuổi thọ của các thiết bị dùng điện, công suất thực tế so với chỉ số trên nhãn hàng hóa, sản phẩm. Một lãnh đạo Chi nhánh điện khu vực 1 Điện lực Đà Nẵng kể, có lần Chi nhánh này nhận được phản ảnh công tơ ghi chữ điện tại nhà dân không chính xác. Kiểm tra cho thấy gia đình phản ảnh chỉ có 2 ông bà cụ và đứa cháu nhỏ, nhu cầu dùng điện không cao. Nhưng thực tế công tơ ghi chữ điện mấy tháng liên tục đều vượt mức, khiến gia đình này phải trả nhiều tiền. Bộ phận kiểm tra dò xét kỹ, phát hiện các thiết bị trong nhà ông bà cụ này đều quá cũ, nhiều vị trí đấu nối, phích cắm trong nhà đều rỉ sét, làm hao hụt điện năng. Sau khi chủ nhà chấp nhận loại bỏ một số thiết bị quá cũ và lắp lại hệ thống dây điện mới, chỉ số dùng điện của gia đình này đã giảm hẳn.
Hướng thứ hai là người tiêu dùng nên mạnh dạn chấp nhận đầu tư các thiết bị dùng điện mới với chế độ tiết kiệm điện năng tốt hơn; và đầu tư các thiết bị dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thay điện. Theo ông Nguyễn Đắc Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Niên, các giải pháp trong gia đình như chuyển đổi đèn điện chiếu sáng sang các loại đèn compact, đèn tuýp gầy tiết kiệm rất đáng chú ý. Song hiện tại, giới công nghệ đã có các sản phẩm đèn LED với công suất điện thấp song mức độ chiếu sáng tương đương các bóng đèn truyền thống, người tiêu dùng nên đầu tư sử dụng sẽ tốt hơn.
Công nghệ đèn LED đang được sử dụng để thay thế các loại bóng đèn chiếu sáng thông thường.
Nhiều thiết bị điện có chế độ cài đặt tự động tắt mở, đa số người tiêu dùng vẫn chưa tận dụng hết hay không chịu đầu tư. Đơn cử, nhiều người muốn có thói quen tắt hết thiết bị điện khi ra khỏi khu vực sinh hoạt nào đó, nhưng ngại phải mò mẫm trong bóng tối khi trở lại. Để khắc phục, họ chỉ cần mua các bộ cài đặt cảm ứng tắt mở về tiếng động, va chạm lắp vào công tác đèn là xử lý xong vấn đề.
Anh Dương Hiển Hoàng ở khu dân cư Tuyên Sơn, Hòa Cường còn cho biết giải pháp hiệu quả hơn, là mua các bộ công tắc điều khiển từ xa qua remote, lắp vào đường dây điện trong nhà. Trước khi đi đâu, anh chỉ cần điều khiển tắt mở từ xa, tránh được những bất tiện trong bóng tối. “Các bộ điều khiển đó chỉ cần móc vào chìa khóa là coi như yên tâm về khả năng quên tắt bóng đèn hay tivi khi ra ngoài”, anh Hoàng nói.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ còn có thói quen rút hẳn phích cắm nguồn thiết bị điện như quạt máy, tivi, máy sưởi, nóng lạnh… khi không dùng đến trong thời gian dài. Nhiều người cũng cần đổi thói quen tắt mở tivi từ xa bằng cách nhấn luôn nút tắt mở nguồn trực tiếp. Hơn nữa, theo kinh nghiệm, việc kiểm tra đánh giá đường dây điện trong nhà đúng nhu cầu sử dụng cũng rất quan trọng. Các loại dây dẫn điện có kích cỡ quá nhỏ hay quá lớn so với nhu cầu tải điện đều sẽ gây hao hụt. Việc tập trung nhiều thiết bị dùng điện trên cùng một đường dây nhánh trong gia đình cũng dễ làm tổn thất điện năng hàng ngày.
Uyên Nghi