Chủ nhật, 24/11/2024 | 06:30 GMT+7

Chất xúc tác mới phát triển năng lượng tái tạo

06/01/2009

Những nguồn năng lượng tái tạo, như gió, năng lượng mặt trời, đang có tiềm năng phát triển lớn. Những nguồn năng lượng này rất phong phú và giá của chúng ngày càng rẻ. Dù vậy hiện nay chúng vẫn còn những hạn chế. Thậm chí ngay cả khi Mặt trời đầy nắng và lộng gió, thì cũng không có cách tốt để lưu trữ lượng điện thừa trên quy mô công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã phát triển được một chất xúc tác mới được hy vọng là có thể thay đổi được tình trạng này.


Chất xúc tác này là một hỗn hợp coban và photpho dùng điện để tách nước thành hydro và ôxy. Sau đó hydro có thể được đốt cháy hoặc được cung cấp cho các tế bào năng lượng để các tế bào này tái phối hợp hydro với ôxy nhằm sản xuất điện.


Từ nhiều thập kỷ nay, các nhà nghiên cứu đã biết rằng các kim loại quý, như platin, được dùng để tách phân tử nước. Tuy nhiên, sự hiếm và giá cao của platin làm cho kim loại này kém hiệu quả kinh tế khi sử dụng ở quy mô lớn. Mặc dù khi được sử dụng, coban không có được đặc tính tốt bằng platin và quá trình xử lý sẽ lâu hơn, nhưng ngược lại nó lại là một kim loại rẻ và nhiều. Việc sử dụng kim loại thay thế này có thể được coi là bước tiến then chốt trong sản xuất năng lượng tái tạo. Hiện nay, nếu các nhà nghiên cứu và ngành công nghiệp có thể đưa nhanh kết quả này vào triển khai đại trà thì trong tương lai không xa năng lượng tái tạo có thể được sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc.


(Nguồn: ScienceMag)