Chủ nhật, 24/11/2024 | 08:52 GMT+7

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Vai trò của quy hoạch xây dựng

12/11/2008

Chúng ta, những "người lính" tiên phong, những nhà định hướng cho sự phát triển xã hội hàng trăm năm sau, phải ý thức được trách nhiệm của mình trước xã hội, trước vấn đề thời sự mà tất cả các Quốc Gia đặt ra "Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ...".

Những năm gần đây, tại một số khu vực trên thế giới thường xảy ra các cuộc xung đột có nguyên nhân bắt nguồn từ việc tranh chấp về năng lượng và cụm từ “An ninh năng lượng“ cũng được đề cập đến nhiều. Nhận thức được vấn đề này, các Quốc gia đã tự xây dựng cho mình một chương trình phát triển năng lượng mà trọng tâm là hướng đến nguồn năng lượng sạch, có tính bền vững (như xây dựng thành Luật để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả). Trong xu hướng này, hơn lúc nào hết, chúng ta, những “người lính” tiên phong, những nhà định hướng cho sự phát triển xã hội hàng trăm năm sau, phải ý thức được trách nhiệm của mình trước xã hội, trước vấn đề thời sự mà tất cả các quốc gia quan tâm: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”.

Thực tế các công trình nghiên cứu cho thấy chi phí năng lượng gắn liền với các yếu tố: mật độ dân số, hệ thống giao thông, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống cây xanh mặt nước, hệ thống chiếu sáng công cộng và cách phân bố dân cư cũng như các công trình công nghiệp và công sở. Những nghiên cứu của giáo sư Davit Banister - Trường Ðại học Oxford  (Anh) cho thấy:


1. Vai trò của cấu trúc đô thị ở tầm chiến lược có ảnh hưởng rất lớn trong việc tiết kiệm năng lượng sử dụng.


2. Các yếu tố sử dụng đất và hệ thống giao thông, khoảng cách bố trí các khu làm việc gần khu ở sẽ giảm đáng kể năng lượng phải tiêu thụ.


3. Mật độ dân cư cũng đóng vai trò trọng yếu trong việc tiết kiệm năng lượng. Mật độ dân cư cao thì việc tiêu thụ năng lượng sẽ giảm.


4. Giải quyết tốt vấn đề chiếu sáng công cộng trong đô thị cũng nằm trong một nguyên tắc khi quy hoạch nhằm tiết kiệm năng lượng sử dụng.


...Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, nếu công việc thiết kế quy hoạch, thi công và vận hành công trình tốt chúng ta có thể tiết kiệm được ít nhất 15%, thậm chí cao nhất là 30% nhu cầu tiêu dùng về điện năng trong khu vực các tòa nhà…

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đứng trước sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu về năng lượng, trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Trong khi vẫn đang tồn tại cách tiêu dùng lãng phí và kém hiệu quả về năng lượng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong chiến lược và chương trình hành động tiết kiệm và bảo tồn năng lượng quốc gia, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong khu vực xây dựng các toà nhà, các công trình xây dựng và trong quy hoạch chiếm một vị trí quan trọng. Các giải pháp, nguyên tắc quy hoạch nào cho đô thị ở Việt Nam đáp ứng được vấn đề này? Hệ thống đô thị phải được phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng lãnh thổ và phải đảm bảo phát triển bền vững.

Hội đồng Công trình xanh Việt Nam thuộc Quỹ các đô thị xanh của Hoa kỳ đã phối hợp với Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đang triển khai xây dựng dự án Qui hoạch các đô thị xanh tại Việt Nam, nhằm thích ứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một trầm trọng. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, nếu công việc thiết kế quy hoạch, thi công và vận hành công trình tốt chúng ta có thể tiết kiệm được ít nhất 15%, thậm chí cao nhất là 30% nhu cầu tiêu dùng về điện năng trong khu vực các toà nhà. Ðây là một con số không nhỏ đóng góp đáng kể cho việc phát triển bền vững đô thị.

Ðể tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả tại các đô thị lớn của Việt Nam, các chuyên gia Pháp cho rằng nên xây dựng mô hình đô thị tập trung, với mật độ dân số dày, tránh dàn trải. Ông S.Salat, Viện trưởng Viện các đô thị bền vững  trong bài tham luận của mình có nói: “Mật độ dân số đô thị có quan hệ chặt chẽ với vấn đề tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nguồn lực sinh thái. Nếu kết cấu đô thị tại việt Nam được xây dựng theo mô hình tập trung, thì sẽ tiết kiệm được năng lượng đáng kể”. ý kiến này vấp phải một số phản đối từ phía các chuyên gia Việt Nam, cho rằng nếu tập trung dân số quá dày ở thành thị sẽ làm gia tăng vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chuyên gia Pháp cho rằng vấn đề chính là ở khâu thiết kế: mô hình kết cấu dân số tập trung phải đi liền với thiết kế hiệu quả, có cây xanh và nước, vừa tiết kiệm năng lượng vừa bảo vệ môi trường. Ông nói thêm rằng Việt Nam nên tổ chức lại hệ thống đường thủy, đặc biệt ở miền Nam. Miền Nam Việt Nam có hệ thống kênh rạch khá dày đặc, trong khi tác động khí thải đường sông ít hơn nhiều so với đường bộ, nên phát triển hệ thống đường sông vừa giúp tiết kiệm năng lượng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Ông J.Lopez, chuyên gia ICE nói: “Lựa chọn xây dựng một mô hình thành phố là cho nhiều thế kỷ, chứ không phải cho 100 năm nữa”. Các chuyên gia Pháp cũng cho rằng quy hoạch tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề chiếu sáng công cộng và tính đến những yếu tố địa lý. Ông Michel Rateau, Giám đốc phát triển Citelum nói rằng chiếu sáng đô thị chiếm 52% lượng tiêu thụ của một thành phố. Vì vậy cần phải có quy hoạch chiếu sáng hiệu quả và hợp lý để tiết kiệm năng lượng. Các chuyên gia Pháp cho rằng quy hoạch chiếu sáng công cộng ở Việt Nam hiện vẫn đang bị bỏ quên, tạo sự lãng phí không đáng có. Chuyên gia của CiTelum đưa ra 3 giải pháp trong tiết kiệm năng lượng chiếu sáng: cải tiến chất lượng thiết bị chiếu sáng, điều khiển hệ thống chiếu sáng từ xa và sử dụng năng lượng tái tạo. Theo các chuyên gia, việc thiếu quy hoạch đồng bộ giữa chiếu sáng công cộng và các công trình hạ tầng đô thị khác cũng dẫn đến tình trạng xây dựng chồng chéo, lộn xộn, không đáp ứng được các yêu cầu chung về kỹ thuật, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị.

 
 Một số điều cần lưu ý trong tổ chức quy hoạch ở Việt Nam nhằm tiết kiệm năng lượng:

a/ Chọn hướng nhà và công trình: thường thì theo hướng Nam và Ðông Nam để lấy gió mát mùa hè, ánh nắng mặt trời vào mùa đông, tránh nắng nóng hướng Tây và gió mùa Ðông Bắc. Trong điều kiện không thể chọn được hướng tốt thì tìm các giải pháp quy hoạch thiết kế xây dựng để hạn chế các bất lợi về điều kiện khí hậu.

b/ Tổ chức phân bố khu làm việc và khu ở không cách xa nhau để đảm bảo việc đi lại thuận tiện


c/ Tổ chức hệ thống cây xanh mặt nước một cách hợp lý.


d/ Sử dụng các vật liệu truyền thống, các giải pháp về kiến trúc, kết cấu và tổ chức mặt bằng, công nghệ sử dụng… kết hợp với thông thoáng tự nhiên để tiết kiệm năng lượng.

e/ Thiết kế hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị hợp lý.


Ngày nay, nguồn năng lượng, việc khai thác và sử dụng là vấn đề thách thức toàn cầu. Các nhà chuyên môn trong quản lý và Quy hoạch xây dựng  cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng khi xây dựng một dư án quy hoạch. Điều đó có ý nghĩa sống còn với chúng ta hiện nay và cho các thế hệ tương lai.

 

...Nếu kết cấu đô thị tại việt Nam được xây dựng theo mô hình tập trung thì sẽ tiết kiệm được năng lượng đáng kể...

 

 

KS Vũ Văn Trường