Thứ năm, 07/11/2024 | 04:34 GMT+7
Nồi cơm điện: Nếu mỗi ngày nấu cơm 2 lần, mỗi lần khoảng 2 cốc gạo với 3 cốc nước thì nồi cơm điện tiêu thụ khoảng 10,8 kWh/tháng. Còn nếu sử dụng chế độ “giữ ấm” để hâm đồ nóng đồ ăn 2 giờ/ngày thì sẽ tiêu tốn 2,7 kWh. Vì vậy, nên hạn chế sử dụng chế độ “giữ ấm” để tiết kiệm điện. Thức ăn chỉ nên hâm nóng khi thật cần thiết.
Phích điện: Một phích đun điện tiêu tốn 11,8 kWh/điện để đun sôi 3,6 lít nước/tháng. Nếu dùng ấm đun điện chỉ hết 9,87 kWh để đun lượng nước tương tự. Vì vậy, bạn nên sử dụng ấm điện để đun nước.
Lò nướng điện: Nếu dùng lò nướng 0,5 giờ/ngày thì mỗi tháng hết 18 kWh. Để tiết kiệm điện, bạn nên tắt lò nướng 10 phút trước khi hoàn tất, lò nướng sẽ vẫn duy trì được nhiệt độ. Bạn cũng nên kiểm tra lớp gioăng của cửa lò để đảm bảo lò cách nhiệt tốt. Sử dụng lò cho lượng thực phẩm tối đa và có thể lên kế hoạch để nấu nhiều món cùng lúc.
Tủ lạnh: Thông thường nhiệt độ giữ lạnh cho cá tươi, thịt tươi tốt nhất là trên dưới – 1oC, sữa bò, trứng gà, trứng vịt là 3oC, hoa quả và rau xanh là 5oC. Nếu tủ lạnh có 2 cửa thì nhiệt độ buồng đông lạnh ở mức – 18oC là đủ để nước đóng băng. Dùng -18oC thay cho – 22oC thì mỗi tháng bạn tiết kiệm được khoảng 15% điện.
Khi sử dụng bạn nên thường xuyên rã đông để tủ lạnh làm việc tốt nhất. Không để quá nhiều đồ trong tủ lạnh, vì nó sẽ cản trở quá trình lưu thông khí. Ngược lại, nếu để tủ lạnh trống không thì nó sẽ hoạt động không tốt bằng tủ có chứa đồ vừa phải. Bạn cũng nên kiểm tra cửa tủ lạnh bằng cách đóng cửa tủ lạnh qua một mảnh giấy sao cho một nửa ở trong, một nửa ở ngoài. Nếu tờ giấy rút ra dễ dàng cần phải xem xét lại gioăng cửa tủ lạnh. Tránh để ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào tủ lạnh, đặt tủ cách các đồ vật xung quang ít nhất 5cm. Để cách xa bếp và các nguồn nhiệt khác. Nên để thức ăn nguội rồi mới cất vào tủ lạnh, hạn chế mở cửa tủ quá lâu khi lấy hoặc cất thức ăn.
Nguồn: Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh