Thứ hai, 25/11/2024 | 10:14 GMT+7
Cùng với đó, khi trái đất ngày càng nóng lên và mật độ dân cư ở các đô thị ngày càng tăng thì việc chống nóng cho nhà ở và nơi làm việc là một việc rất cần thiết. Có một giải pháp giúp bạn vừa chống nắng và tiết kiệm điện năng cho tòa nhà của mình, đó là phim cách nhiệt dán lên kính.
Trong tự nhiên, sức nóng (hay là nhiệt năng) truyền từ nơi có nhiệt độ cao hơn sang nơi có nhiệt độ thấp hơn. Sức nóng truyền đi theo ba cách tuỳ thuộc vào vật chất mà nó truyền qua, đó là dẫn nhiệt, đối lưu và bức xạ. Dẫn nhiệt là cách truyền nhiệt qua sự tiếp xúc của các phân tử nằm cạnh nhau trong vật chất. Đối lưu là cách truyền nhiệt bằng sự chuyển động của chất lỏng hay chất khí. Bức xạ là cách truyền năng lượng qua sóng điện từ, có thể truyền qua chân không. Chống nóng là cản không cho nhiệt năng truyền vào nơi sinh hoạt. Sức nóng có thể truyền vào nhà từ trên mái, qua tường, cùng với nhiệt năng tỏa ra từ người và máy móc làm cho nhiệt độ trong phòng tăng cao. Đặc biệt, khi các tòa nhà cao ốc mọc lên với việc sử dụng kính càng nhiều thì sức nóng truyền vào phòng cũng tăng lên.
Cách đơn giản và ít tốn kém nhất để chống nóng đi qua cửa kính là che nắng: trồng cây hoặc làm mái che hướng nắng. Để có tác dụng chống nóng thì phải che nắng bên ngoài cửa kính, còn rèm treo bên trong cửa kính chỉ làm đỡ chói mắt chứ tác dụng chống nóng rất ít. ở những văn phòng hay chung cư cao tầng, không thể dùng cách che nắng đơn giản trên, thì có thể dùng các tấm phim cách nhiệt dán kính. Phim cách nhiệt có một số cơ chế cản nhiệt cơ bản: Cơ chế hấp thụ nhiệt, cơ chế bức xạ nhiệt, Cơ chế phản xạ nhiệt. Thực tế là tất cả các tấm kính được dán phim bao giờ trên bề mặt cũng nóng hơn ~ 10 độ so với kính chưa dán phim. Đó chính là sự hấp thụ nhiệt trên bề mặt của phim. Tuy nhiên, rất ít % nhiệt lượng này đi vào trong phòng. Điều đó được giải thích như sau: Sức nóng hấp thụ trên bề mặt có thể khuyếch tán vào trong nhà. Sức nóng bị phim cách nhiệt loại bỏ là bởi sự giữ lại trên bề mặt của kính và sự lưu chuyển của dòng không khí bên ngoài, và tỷ lệ rất nhỏ này bức xạ vào trong. Vì tốc độ trung bình của dòng không khí vận động bên ngoài là lớn hơn nhiều so với bên trong nhà nên sức nóng được xua tan từ bên ngoài.
Phim dán kính có rất nhiều loại và sự phân loại phim dựa chủ yếu vào công nghệ sản xuất ra màng phim. Có 4 công nghệ chính để sản xuất ra màng phim chống nóng: Công nghệ nhuộm mầu, công nghệ tráng phủ kim loại, công nghệ phún xạ (phún xạ được làm trong buồng chân không nhưng kim loại dùng phún xạ ở mức độ nguyên tử. Trường điện từ điều khiển dòng ion từ bình khí ga (thường là khí Agon) hướng về kim loại, ion này bị bắn phá, bật ra vỡ tung và phân tán đều trên bề mặt phim), công nghệ lai. Đa phần phim dùng cho nhà kính sử dụng công nghệ tráng phủ kim loại (coating film), bởi đây là công nghệ tạo nên phim có giá thành hợp lý và chất lượng tương đối tốt. Phim sử dụng công nghệ này thường có độ phản xạ gương lớn, màng phim dầy và chống nóng tốt dựa vào cơ chế phản xạ và hấp thụ nhiệt lượng. Ngoài tính năng chống nắng, tiết kiệm điện năng, phim cách nhiệt còn giúp mang lại diện mạo mới cho các tòa nhà, giảm đáng kể độ chói loá màn hình máy vi tính, ngăn tốc độ bạc màu của đồ đạc, tác phẩm nghệ thuật... Trong trường hợp kính vỡ, chúng không văng tung tóe mà sẽ dính lại trên phim.
Ngoài việc chống nóng như trên, ta phải chú ý làm các khe cửa thật khít để khi đóng cửa thì rất ít không khí ra vào được, tránh sự truyền nhiệt bằng đối lưu qua các khe đó. Không khí đối lưu thì truyền nhiệt tốt hơn gấp 5 lần không khí lặng. Nhà được cách nhiệt tốt và có ít khe hở thì tốt cho việc chống nóng cũng như sưởi ấm.
Thị trường Việt Nam cũng đã biết đến phim cách nhiệt trong mấy năm gần đây với các sản phẩm phim cách nhiệt cho các toà nhà và ô tô. Với tốc độ phát triển kinh tế ngày càng tăng, lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, việc sử dụng phim cách nhiệt ở nước ta có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Khi mà việc tiết kiệm năng lượng đã trở thành chương trình hành động của quốc gia thì phim cách nhiệt chính là giải pháp tốt để tiết kiệm điện trong xã hội.
Nguồn: Tạp chí Điện lực