Thứ hai, 25/11/2024 | 10:05 GMT+7

Quạt tạo gió tự nhiên

30/11/2006

Về mùa thu có lúc khí trời bỗng trở nên oi ả. Không quạt thì nóng mà quạt thì lại lạnh. Trong trường hợp này ta thường cho quạt chạy “tuốc năng” hoặc đặt nó thật xa. Cách này có hai bất tiện: một là gió quạt bị lãng phí một cách vô ích, hai là không thể áp dụng được đối với các căn phòng chật chội.

Giải quyết vấn đề này thật đơn giản. Chúng ta biết rằng các quạt bàn, quạt lửng bán trên thị trường hiện nay đều chạy với điện áp 220 – 230V nhưng chúng vẫn vận hành tốt ở điện áp 110V (tất nhiên nếu quạt không quá cũ). Ở điện áp này quạt phát ra lượng gió vừa phải và gió không bị xoáy cuộn như chạy với điện áp 220V. Thông thường khi luồng gió không xoáy cuộn, cơ thể chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nhiều vì nó rất giống với gió tự nhiên. Đặc biệt chế độ gió này rất thích hợp với các em bé và những người cao tuổi.

Muốn làm “quạt tạo gió tự nhiên” ta chỉ cần đấu nối tiếp hai quạt với nhau theo sơ đồ ở hình 1. Hình 1a là sơ đồ nguyên lý, trong đó Q1 và Q2 là quạt 1 và quạt 2. Hình 1b là sơ đồ đấu dây cụ thể, trong đó OC là ổ cắm điện 220 vôn xoay chiều, OC1 và OC2 là các ổ cắm dùng cho quạt 1 và quạt 2. CT là công tắc chuyển chế độ (có thể không lắp nếu không có nhu cầu). Khi công tắc ở vị trí mở, nó được dùng như bộ đảo mạch, khi ở vị trí đóng nó được dùng như một dây nối dài thông thường. Lúc này một quạt nghỉ, một quạt chạy theo chế độ cắm trực tiếp.

Để lắp bộ đảo mạch này bạn chỉ cần mua vài mét dây xúp đôi loại tiết diện 0,75 mm2, hai ổ cắm, một phích cắm. Ngoài ra có thể mua thêm đế gỗ hoặc công tắc (nếu cần).

Có hai cách làm bộ ổ cắm. Cách thứ nhất, bắt hai ổ cắm vào chung một đế gỗ và đấu dây theo sơ đồ 1b. Công tắc cũng lắp trên đế gỗ này theo sơ đồ 1b (đường chấm chấm). Cách này có độ an toàn cao nhưng hơi cồng kềnh khi sử dụng. Cách thứ hai, chỉ cần mua hai ổ cắm giống hệt nhau, có vỏ nhựa dầy chắc chắn và gắn hai phần đáy lại bằng keo 502. Trước lúc gắn phải đấu sẵn dây bên trong và khoét lỗ cho đường dây ra. Cách này dễ làm hơn, bộ ổ cắm gọn nhẹ hơn nhưng có nhược điểm là không lắp được công tắc chuyển chế độ.

Những điều cần lưu ý

1- Khi chạy ở chế độ nối tiếp, công suất tiêu thụ của cả hai quạt chỉ bằng 50% công suất tiêu thụ của một quạt khi cắm trực tiếp.

2- Hai quạt nên có công suất giống nhau hoặc xấp xỉ bằng nhau thì mới phát huy hiệu quả tốt. Nếu chênh lệch nhau quá nhiều, quạt công suất lớn sẽ chạy yếu hoặc không khởi động được. Nguyên nhân là vì khi đấu nối tiếp, quạt công suất lớn sẽ mang tải ít hơn quạt công suất nhỏ.

3- Để bảo đảm khởi động tốt, trước tiên đặt hai quạt ở tốc độ lớn nhất, sau đó mới điều chỉnh lại theo yêu cầu.

4- Hai quạt có thể để cùng một chỗ, theo cùng một hướng để phục vụ một người, hoặc ở hai địa điểm khác nhau để phục vụ hai người, và không cho chạy “tuốc năng”. Đấu theo kiểu này quạt chạy rất êm, hầu như không có tiếng động và gió quạt rất mát (vì bầu quạt không phát nhiệt). Tuổi thọ của quạt do đó cũng tăng lên rất nhiều.

5- Ngoài ra nếu bạn là thợ điện thì đây là một phương tiện lý tưởng để đo dòng điện chạy qua các thiết bị điện gia dụng. Muốn đo ta cắm thiết bị vào ổ thứ nhất và cắm ampe kế vào ổ thứ hai. Dòng điện của thiết bị cần đo không nên vượt quá 2 ampe.

Tác giả bài báo này đã làm thử để áp dụng trong gia đình từ nhiều năm nay và đạt được hiệu quả khá tốt.

(Theo Điện và đời sồng)