Thứ sáu, 03/01/2025 | 00:58 GMT+7

Nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo vùng Nam Bộ

22/12/2023

Ngày 21/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Trường đại học Tài chính-Marketing tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ”.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, các nhà chuyên môn đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu… tham dự.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió. Riêng điện mặt trời, tiềm năng khoảng 963.000 MW gồm: điện mặt trời mặt đất khoảng 837.400MW; điện mặt trời mặt nước (điện mặt trời nổi) khoảng 77.400MW; điện mặt trời mái nhà khoảng 48.200MW.
Quang cảnh hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ”.
Trên phạm vi cả nước, khu vực Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện… 
Cụ thể, số giờ nắng tại khu vực Nam Bộ từ 2.000-2.600 giờ/năm, lượng bức xạ mặt trời lớn. Chỉ tính tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình lượng bức xạ mặt trời khoảng 1.581kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3kWh/m2/ngày. Đây là những yếu tố thuận lợi để thu hút các quỹ đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.
Các đại biểu cũng cho rằng, với sự phát triển năng động của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung, nhu cầu về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo là rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo tại vùng Nam Bộ chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ là cấp bách.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính-Marketing cho biết, trụ cột phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo có hai vấn đề lớn. Đầu tiên, nếu không có đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo thì không thể nào phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo được; vấn đề thứ hai liên quan đến chính sách trợ giá để cho ngành công nghiệp tái tạo phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhấn mạnh, năng lượng tái tạo là mạch máu cho sự phát triển của nền kinh tế ngoài các nguồn lực khác như tài chính. Đây là vấn đề quan trọng trong xu hướng phát triển của thế giới, cũng như Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, đối với Việt Nam khi nước ta cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính vì thế, việc chuyển đổi sang các mô hình năng lượng xanh, năng lượng sạch là tất yếu.
Để phát triển năng lượng tái tạo bền vững, các đại biểu cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, song vẫn còn một số bất cập bởi các cơ chế chính sách, thể chế chưa có sự liên thông, thống nhất cho việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại vùng Nam Bộ.
Việc nghiên cứu đánh giá thực hiện phát triển năng lượng tái tạo theo chính sách, pháp luật là hết sức cần thiết, vì nếu phát triển quá mức, quá nhanh, không theo đúng quy định sẽ đưa đến những khó khăn về hoạch định chính sách, các vấn đề kỹ thuật, vận hành hệ thống điện...
Theo: Nhân Dân