Gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Đại sứ quán Canada, Tổng Lãnh sứ quán Ấn Độ, các Hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và chuyên gia đến dự.
Hội thảo nhằm thảo luận chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, qua đó giúp tỉnh Trà Vinh có giải pháp, kế hoạch triển khai, chuyển đổi năng lượng đạt hiệu quả; ứng dụng năng lượng và công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp; Chiến lược phát triển chuỗi giá trị Hydro xanh hướng tới Net Zero carbon năm 2050…
Dự án điện gió Trà Vinh đang trong quá trình thi công.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, Trà Vinh là tỉnh có bờ biển dài và nông, rất thích hợp cho việc đầu tư điện gió trên bờ và ngoài khơi. Ngoài ra tỉnh đã được Trung ương đầu tư đường truyền kết nối với Trung tâm Điện lực Duyên Hải, là điều kiện thuận lợi trong việc giải tỏa công suất các công trình năng lượng tái tạo. Qua khảo sát, điện tái tạo tại Trà Vinh có thể đạt công suất lên đến 46.500 MW, bên cạnh đó, theo Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ghi nhận trước mắt là 24 dự án, với tổng công suất là 14.821 MW.
“Tỉnh Trà Vinh là tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long với bờ biển dài, thềm lục địa nông sâu khác nhau, rất thuận tiện cho việc đầu tư điện gió trên bờ và ngoài khơi và tỉnh Trà Vinh được Trung ương quan tâm đầu tư đưa vào vận hành Trung tâm Điện lực Duyên hải. Đây là điều kiện thuận lợi để giải tỏa công sức, các công trình năng lượng tái tạo. Đến nay tỉnh Trà Vinh đã cấp chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió với tổng công suất là 660 MW. Nếu so với tiềm năng thì tại dinh còn có rất nhiều cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió”, ông Lê Văn Hẳn nhận định.
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám Công ty TNHH điện gió Đông Thành 1 cho biết, mặc dù điện gió của Trà Vinh có tiềm năng rất lớn, địa phương hỗ trợ rất tích cực, nhưng thực tế nhiều dự án chưa phát huy được hiệu quả, vì các quy định pháp lý liên quan đến phát triển điện gió vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Công trình điện gió ngoài khơi (Đông Hải 1) Trà Vinh.
“Thời gian qua, những khó khăn của chúng tôi luôn luôn được trao đổi với tỉnh một cách cởi mở. Tuy nhiên, nó còn vướng về chính sách vĩ mô, ví dụ như là kế hoạch phát triển điện hiện tại vẫn chưa được phê duyệt; thứ hai là về chính sách giá cho các dự án điện gió cũng chưa được ban hành. Chính vì vậy, nên công tác xây dựng và đầu tư nó đang chậm lại. Hy vọng UBND tỉnh Trà Vinh có những kiến nghị lên Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn này cho nhà đầu tư”, ông Tuấn bày tỏ.
Đến nay, Trà Vinh đã cấp chủ trương đầu tư 09 dự án điện gió với tổng công suất 660MW, trong đó đã đưa vào vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia 05 dự án điện gió, công suất 322MW, với tổng vốn đầu tư gần 15.900 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang triển khai đầu tư 4 dự án điện gió, công suất khoảng 344MW; đã đưa vào vận hành 1 dự án điện mặt trời, công suất 140MW và đang triển khai 1 dự án điện sinh khối với công suất 25MW.
Theo: VOV