Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:43 GMT+7

Thanh Hóa phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà

22/11/2023

Phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Gia đình bà Lương Thị Hoa ở đường Võ Nguyên Lượng, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong khu dân cư lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Nhà bà sử dụng nhiều thiết bị điện nên tiền điện phải trả ở mức hơn 2 triệu đồng/tháng. Sau khi tìm hiểu về ĐMTMN, năm 2020 gia đình bà đầu tư hơn 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống này ngay tại nhà mình. Bà Hoa chia sẻ: “Mặc dù chi phí ban đầu lớn, song nếu tính bài toán kinh tế, chỉ cần đầu tư mua máy móc, thiết bị một lần sẽ được sử dụng điện miễn phí trong thời gian dài và chỉ cần vài năm là có thể thu hồi vốn đầu tư. Từ khi lắp đặt hệ thống này, bình quân gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng tiền điện/tháng”.
Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) có công suất thiết kế 6.500m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 8.000 khách hàng thuộc 10 xã khu vực phía Bắc của huyện Hoằng Hóa. Với mong muốn tự cung cấp một phần lượng điện năng phục vụ vận hành, năm 2021 nhà máy đã tận dụng khoảng không gian của mái nhà xưởng đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống ĐMTMN với công suất 81 kWh. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành nhà máy, từ sau khi lắp đặt ĐMTMN, trung bình mỗi tháng nhà máy tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng tiền điện. Theo tính toán, đơn vị sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 7 năm; khấu hao công trình kéo dài trong vòng khoảng 30 năm. Dự kiến trong năm 2024 đơn vị sẽ lắp đặt mở rộng thêm hệ thống ĐMTMN, phấn đấu tự cung cấp điện vận hành tại nhà máy vào ban ngày.
Hệ thống ĐMTMN được lắp đặt tại Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa).
Theo thống kê của Điện lực Hoằng Hóa, tính đến hết năm 2022 đơn vị đang thực hiện ký kết hợp đồng mua ĐMTMN của 51 khách hàng với công suất 3,158 MWp. Sản lượng điện mua từ ĐMTMN năm 2022 đạt 2,4 triệu kWh, chi phí mua điện 6,07 tỷ đồng. Từ ngày 31/12/2020 đơn vị đã dừng tiếp nhận yêu cầu về đấu nối ĐMTMN theo quy định. Nhiều khách hàng trên địa bàn tiếp tục đến hỏi về việc đấu nối điện ĐMTMN lên lưới điện, tuy nhiên do chính sách thay đổi, đơn vị đã phải tuyên truyền, giải thích để khách hàng hiểu về các quy định hiện hành.
Việc sử dụng ĐMTMN giúp tạo ra nguồn năng lượng sạch, mang lại lợi ích về kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vốn ban đầu để lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Theo thống kê từ Sở Công Thương, đến ngày 31/12/2020 Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thực hiện ký hợp đồng mua ĐMTMN với 619 hệ thống có tổng công suất là 67.126,6 kWp. Trong đó, hộ cá thể với mục đích sinh hoạt có 446 khách hàng (tổng công suất là 4.231,3 kWp); khách hàng có mục đích ngoài sinh hoạt là 173 khách hàng (tổng công suất là 62.895,3 kWp). Số lượng khách hàng ĐMTMN có công suất từ 100 kWp trở lên là 96 khách hàng, trong đó có 89 khách hàng là doanh nghiệp. ĐMTMN chủ yếu được lắp đặt trên mái các trang trại nông nghiệp, mái các công trình công nghiệp, công trình dân dụng và một số các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Theo đánh giá của Công ty Điện lực Thanh Hóa, sau khi các hệ thống ĐMTMN đi vào hoạt động đã giúp giảm tải từ 0,5% đến 2,1% cho các đường dây 35 KV, 22 KV, 10 KV và lưới điện hạ áp 0,4 KV được đấu nối vào, góp phần giảm tải cho các trạm 110 KV và các trạm biến áp phụ tải.
Theo: Báo Thanh Hóa