Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện quốc tế về công nghệ nhiệt lạnh, phòng sạch và nhà máy công nghệ cao (Cleanfact & Resat Expo 2023) do Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam (VISRAE) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ và Đầu tư INTECH (INTECH Group) và Công ty cổ phần thương hiệu và truyền thông quốc tế (IBC) tổ chức, đã diễn ra hội thảo “Giải pháp sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng: Tận dụng nguồn nhiệt thừa công nghiệp và các nguồn năng lượng tái tạo để làm lạnh tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức về giải pháp này và khám phá cách ứng dụng nó để cải thiện hiệu suất sản xuất và bảo vệ môi trường.
Các diễn giả, chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.
Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là một quốc sách quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong ngành công nghiệp, tàn dư nhiệt thừa là một thách thức đối mặt với cả doanh nghiệp và môi trường. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn tác động tiêu cực đến môi trường, với nhiều hình thức như: xỉ thải, khí thải và hệ thống hơi thoát. Có nhiều giải pháp để tận dụng nhiệt thừa. Trong đó, sử dụng nguồn nhiệt thừa nhiệt độ cao để làm lạnh được coi là một giải pháp hiệu quả, nhưng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Hiện nay, tàn dư nhiệt thừa trong các nhà máy là một thách thức đối với ngành công nghiệp và môi trường. Điều này không chỉ là một sự lãng phí tài nguyên mà còn gây tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiệt thừa tồn tại dưới nhiều hình thức như: xỉ thải, khí thải, khói thải, hệ thống hơi thoát, nước nóng và nhiều dạng khác với khối lượng vô cùng lớn.
Do đó có rất nhiều phương án được đưa ra để tận dụng nhiệt thừa như hồi nhiệt, sinh hơi, phát điện... Tuy nhiên "Sử dụng tối đa nguồn nhiệt thừa nhiệt độ cao để làm lạnh đem lại hiệu quả trong sản xuất, môi trường làm việc" về công nghệ đã có từ rất lâu và đang được ứng dụng rộng rãi ở các ngành công nghiệp ở các nước tiên tiến trên thế giới nhưng ở nước ta vẫn là một khái niệm, giải pháp ít người biết tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các vấn đề: Hiện trạng sử dụng năng lương, các nguồn nhiệt thừa; Chính sách nhà nước khuyến khích sửu dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng; Công nghệ sử dụng nhiệt thừa để làm lạnh (làm lạnh hấp thụ) và tình hình áp dụng trên thế giới; Giải pháp tận dụng nguồn nhiệt thừa và sử dụng năng lượng tái tạo để làm lạnh; Kinh nghiệm triển khai thành công từ mô hình đồng phát, tận dụng nhiệt thải cà các dự án thành công trên thế giới; Giới thiệu chứng nhận ISO 50001 - Hệ thống quản lý năng lượng…
Trong bối cảnh tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường, hội thảo “Giải pháp sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng: Tận dụng nguồn nhiệt thừa công nghiệp và các nguồn năng lượng tái tạo để làm lạnh tại Việt Nam” đã trở thành nơi để trao đổi thông tin, kết nối các doanh nghiệp và các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu và có cùng mối quan tâm về vấn đề này để cùng nhau giải quyết khó khăn, nắm bắt cơ hội để đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường và hợp tác phát triển kinh doanh.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng công nghệ, tiềm năng và cơ hội ngành lọc khí”.
Ô nhiễm không khí đe dọa hầu như toàn bộ cư dân đô thị tại các nước đang phát triển. Theo Fox News, 80% thành phố trên thế giới không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO. Từ năm 2018, WHO đã tuyên bố ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu của tử vong toàn cầu, gây nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh phổi, tim mạch, đột quỵ, và tác động đến sự phát triển của trẻ em.
Hiện tại, không khí ở Việt Nam đang bị ô nhiễm nặng nề. Nồng độ PM2.5 tại Việt Nam cao hơn 4.9 lần so với chuẩn của WHO và xếp thứ 36/118 về mức ô nhiễm không khí năm 2021. Chất lượng không khí kém không chỉ ảnh hưởng mật thiết đến sức khỏe mà còn gây ra sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày và gây thiệt hại cho nền kinh tế cho người dân Việt Nam.
Đứng trước tình trạng không khí ngày càng đi xuống, theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn, các tài liệu quy định cụ thể về việc đo, đánh giá, và quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam. Những quy chuẩn này là cơ sở để đảm bảo rằng chất lượng không khí được duy trì và cải thiện, giúp bảo vệ sức khỏe của người dân và môi trường sống của chúng ta.
Trong hoàn cảnh đó, ngành lọc khí đang nổi lên như một xu hướng. Dự báo thị trường máy lọc không khí tăng từ 5,05 tỷ USD lên 8,83 tỷ USD từ 2019 đến 2026, đặc biệt ở các thành phố châu Á đang công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng.
Nhận thức được cơ hội áp dụng và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực xử lý, cải thiện chất lượng không khí, các chuyên gia cũng đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các yêu cầu về chất lượng không khí theo tiêu chuẩn hiện hành và trên thế giới; Báo cáo thực nghiệm đo kiểm chất lượng không khí trong nhà; xu hướng công nghệ lọc khí và cơ hội phát triển trong tương lai: Giải pháp lọc khí tổng và cấp gió tươi cho công trình; làm sạch không khí chủ động và smart hvac tiết kiệm năng lượng; báo cáo đo kiểm thực nghiệm thực tế của nhóm chuyên gia Đại học Xây dựng; trao đổi về tiềm năng thị trường và cơ hội phát triển trong lĩnh vực lọc khí...
Hội thảo đã giúp các đơn vị thiết kế, xây dựng, lắp đặt cơ điện và quý khách hàng nắm bắt được tiêu chuẩn hiện hành của ngành lọc khí, tìm được cho công trình một giải pháp thông gió, lọc khí phù hợp thông qua báo cáo khảo sát thực nghiệm từ nhóm chuyên gia. Ngoài ra, hội thảo là nơi chia sẻ giúp các doanh nghiệp và cá nhân trong ngành lọc khí cập nhật xu hướng hàng đầu về lọc khí. Bên cạnh đó, hội thảo mở ra cơ hội để các đơn vị có cơ hội giao thương, kết nối cùng các nhà cung cấp, nhà thầu, kiến trúc sư, tư vấn thiết kế và khách hàng quan tâm đến lĩnh vực xử lý không khí.
Theo: PetroTimes