Dự luật mới được gọi là Đạo luật Hiệu quả Năng lượng, sẽ điều chỉnh việc tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà công cộng, ngành công nghiệp và trung tâm dữ liệu với hy vọng giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 26,5% vào năm 2030 so với năm 2008.
Đạo luật Hiệu quả Năng lượng vượt xa các biện pháp mà Đức đã thực hiện năm ngoái khi nước này lo ngại rằng nguồn cung cấp năng lượng có thể thiếu hụt sau khi Nga hạn chế nguồn cung khí đốt.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Đức đã cấm sưởi ấm bể bơi và hồ tắm, đồng thời giới hạn nhiệt độ trên 66 độ F trong các tòa nhà văn phòng và cấm sưởi ấm ở một số khu vực công cộng. Ngoài ra, việc rửa tay bằng nước nóng trong phòng vệ sinh cũng không được phép, đồng thời việc chiếu sáng tượng đài và biển quảng cáo hầu như bị cấm.
Năm 2022, mức tiêu thụ năng lượng của Đức giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Đạo luật Hiệu quả Năng lượng - phiên bản thu nhỏ của dự luật được đưa ra vào tháng 4 - sẽ yêu cầu các công ty lập kế hoạch tiết kiệm năng lượng, nhưng các biện pháp ràng buộc không phải là một phần của dự luật. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp DIHK cho biết không thể đạt được các biện pháp mới mà không "gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế" ở Đức.
Tuy nhiên, nhóm bảo vệ khí hậu Sáng kiến Hiệu quả Năng lượng Đức cho biết vẫn khó có khả năng Đức đạt được mục tiêu cắt giảm 65% lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 1990.
Giảm tiêu thụ năng lượng chỉ là một phần trong các sáng kiến xanh tích cực của Đức.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tạo ra hơn 50% lượng điện của cả nước trong năm nay. Đức đặt mục tiêu con số này đạt 80% vào năm 2030.
"Nhưng chúng ta sẽ không đạt được điều đó với tốc độ hiện tại,” Habeck nhận định.
Theo: PetroTimes