Hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hướng tới tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, thời gian gần đây, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực chiếu sáng công cộng, tỉnh khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, phát triển hệ thống điện chiếu sáng thông minh, góp phần bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Không phải là đô thị trung tâm của tỉnh, song huyện Yên Lạc lại là địa phương tiên phong trong xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng thông minh. Được biết, công trình hệ thống điện chiếu sáng công cộng thông minh trên địa bàn huyện được triển khai vào giữa năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 9,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, thời gian thi công các hạng mục của công trình như: Xây dựng 1 trung tâm điều hành và giám sát chiếu sáng thông minh; thay thế 28 tủ điều khiển chiếu sáng đã xuống cấp bằng tủ điều khiển kết nối trung tâm đồng bộ; thay thế đèn thế hệ cũ Sodium 250W bằng đèn LED thông minh 150W kết nối trung tâm trên tuyến đường trục chính từ cổng chào Yên Lạc đến nút giao Mả Lọ chỉ mất vỏn vẹn 1 tháng.
Nhân viên kỹ thuật kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng công cộng thông minh trên địa bàn huyện
Đến nay, sau nửa năm vận hành khai thác, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh cho thấy những hiệu quả vượt trội so với hệ thống chiếu sáng cũ. Về mặt kinh tế, việc thay thế bóng đèn Sodium công suất lớn bằng đèn LED thông minh giúp tiết kiệm được 2 lần chi phí do công suất tiêu thụ của đèn LED thấp hơn đèn Sodium nhưng tuổi thọ lại lớn hơn 4 lần. Về mặt xã hội, đèn LED có hiệu suất phát quang cao hơn, đem lại diện mạo mới cho hạ tầng đô thị, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và an ninh khu vực. Bên cạnh đó, công tác quản lý vận hành, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện sự cố, ghi chỉ số công tơ… được thực hiện thông qua phần mềm điều khiển chiếu sáng tại Trung tâm điều khiển mà không cần cử cán bộ cử cán bộ kỹ thuật theo dõi từng tuyến, từng tủ cấp nguồn chiếu sáng công cộng.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu trong khai thác, vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng thông minh, ông Phan Mạnh Lân, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển cụm công nghiệp huyện Yên Lạc cho biết: Việc sử dụng công nghệ tiên tiến, thông minh trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng không chỉ giúp tiết kiệm điện năng, công sức, giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng, bảo trì và vận hành mà còn góp phần nâng cao chất lượng của bộ máy quản lý Nhà nước và tiết kiệm ngân sách chi hàng năm. Bên cạnh đó, việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng còn góp phần hướng tới xây dựng đô thị Yên Lạc văn minh, hiện đại, thông minh, sáng - xanh - sạch - đẹp, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của quá trình đô thị hóa. Từ những lợi ích thiết thực trên, huyện sẽ xem xét nhân rộng mô hình đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh trên địa bàn.
Những năm gần đây, các giải pháp chiếu sáng thông minh đã và đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước và đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm điện năng. Trong khi đó, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng phần lớn hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng công nghệ đèn chiếu sáng cũ, tiêu tốn nhiều điện năng, tuổi thọ sử dụng thấp, khả năng chiếu sáng không cao, nguồn kinh phí để duy trì, bảo dưỡng thay thế lớn. Một số tuyến đường dù đã được thay thế bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng nhưng lại không có khả năng kết nối và điều khiển tự động từ trung tâm, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện sự cố, ghi chỉ số công tơ, báo cáo…
Thích ứng xu thế tất yếu trong thời đại 4.0, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang tích cực nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, xây dựng giải pháp chiếu sáng thông minh đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, làm cơ sở để nhân rộng, dành nguồn lực đầu tư xây dựng công trình điện chiếu sáng công cộng thông minh tại khắp các địa phương, góp phần tạo nên diện mạo đô thị Vĩnh Phúc thông minh trong tương lai gần.
Theo: Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc