Thứ sáu, 01/11/2024 | 17:38 GMT+7

“Cuộc đua” tiết kiệm điện trên thế giới

12/06/2023

Tiết kiệm điện đang là vấn đề nóng bỏng, được ưu tiên hàng đầu trên thế giới trong bối cảnh nguồn cung khí đốt khan hiếm, nguy cơ thiếu hụt năng lượng hiện hữu và lạm phát gia tăng.

Nhằm nâng cao nhận thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều giải pháp và chính sách để giảm thiểu tiêu thụ điện năng.
Nhật Bản: Dự án quốc gia
Nguy cơ thiếu nguồn cung nhiên liệu cũng như mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 là những lý do khiến cho việc tiết kiệm năng lượng tại Nhật Bản trở thành một vấn đề ưu tiên. Chính vì vậy, tiết kiệm điện đã trở thành một dự án quốc gia của Nhật Bản kể từ sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Tháp Tokyo (Nhật Bản) tắt đèn để tiết kiệm năng lượng ngày 22/3/2022
Có rất nhiều biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả được chính phủ đất nước Mặt trời mọc đưa ra và khuyến khích người dân áp dụng: Đặt nhiệt độ máy điều hòa không khí ở mức 28 độ C, chú ý vệ sinh bộ lọc điều hòa theo định kỳ hai lần một tháng; thay đổi cài đặt độ lạnh trong tủ lạnh từ mức “cao” sang “trung bình” giúp giảm 1,8% mức sử dụng năng lượng, đặt tủ lạnh cách tường 2cm giúp giảm 1,3% mức sử dụng năng lượng.
Dùng đèn LED thay thế các thiết bị chiếu sáng sợi đốt để giảm khoảng một nửa điện năng tiêu thụ cho mục đích chiếu sáng; sử dụng thiết bị thân thiện với môi trường. Người sử dụng đọc kỹ thông tin chỉ dẫn về hiệu suất tiết kiệm năng lượng ghi trên nhãn thiết bị trong khi nhà sản xuất tự nguyện cung cấp thông tin chi tiết hơn và dễ hiểu hơn về hiệu suất tiết kiệm năng lượng của thiết bị trên nhãn sản phẩm…
Với mục tiêu giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào tháng 4/2030, chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân tăng cường sử dụng năng lượng Mặt Trời; thúc đẩy việc lắp đặt các tấm pin Mặt Trời trên tất cả các tòa nhà công cộng mới xây dựng như một phần trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Pháp: Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh
Với mục tiêu phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh tiết kiệm năng lượng, nhiều thành phố tại Pháp đã tự trang bị cho mình đèn đường thông minh, cho phép giảm đến 65% mức tiêu thụ năng lượng.
Các hộp điều khiển tự động gắn trực tiếp vào đèn đường, do đó có thể kiểm soát ánh sáng vào ban đêm và đạt được mức tiết kiệm đáng kể. Nhờ hộp kiểm soát này, cường độ của đèn đường được điều chỉnh giảm xuống 10% vào ban đêm và tự động bật lại khi phát hiện có chuyển động như người đi bộ, xe đạp, xe tải hoặc ô tô. Đối với các phương tiện được trang bị đèn pha, cường độ chiếu sáng của đèn đường cũng giảm.
Tháp Eiffel tắt đèn sớm vào ban đêm nhằm tiết kiệm năng lượng.
Sử dụng bóng đèn LED cũng là một giải pháp để tiết kiệm điện năng. Trên toàn nước Pháp, hơn 25% hệ thống chiếu sáng công cộng đã sử dụng đèn LED, tức là 2,5 triệu đèn đường trên tổng số 10 triệu cột đèn đường.
Bỉ: Bộ ba năng lượng
Hiện nay, nhiều vùng tại Bỉ đang áp dụng phương thức "Bộ ba năng lượng" bao gồm: Giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách cách nhiệt ngôi nhà; chọn lựa năng lượng tái tạo như dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng Mặt Trời hay lắp đặt các tấm pin Mặt Trời trên mái nhà; sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả để đáp ứng nhu cầu năng lượng như máy bơm nhiệt, hạ nhiệt độ sưởi ấm trong nhà.
Trước bối cảnh của cuộc khủng hoảng năng lượng tại Bỉ và châu Âu, người dân cũng như chính phủ Bỉ đã thực hành tiết kiệm năng lượng ở cấp độ cá nhân cũng như tại các khu vực công và những nơi công cộng. Theo đó, việc cải tạo Cung điện Hoàng gia Bỉ cũng đang được tiến hành để cách nhiệt tốt hơn.
Cuối năm 2023, tất cả các cửa chớp sẽ được thay thế và các cửa sổ sẽ được lắp kính hai lớp (phần lớn cung điện vẫn là kính một lớp). Hơn nữa, tất cả đèn trong các tòa nhà hoàng gia đã được thay thế bằng bóng đèn LED có hiệu suất cao hơn khoảng 90% so với bóng đèn sợi đốt.
Ngoài ra, Hoàng gia Bỉ cũng tiến hành các cuộc tham vấn để lắp đặt các tấm pin Mặt Trời và các hoạt động cải tạo khác đối với các tòa nhà tiêu thụ nhiều năng lượng trong những năm tới cũng như quyết định tắt đèn ở các đường cao tốc và thành phố vào các giờ cụ thể.
Cộng hòa Czech: Vượt mục tiêu tiết kiệm điện của EU
Theo giới chức Cộng hòa Czech hồi cuối tháng 5/2023, trong suốt mùa Đông vừa qua, quốc gia Trung Âu này đã đạt được mục tiêu do Liên minh châu Âu (EU) đề ra là tiết kiệm ít nhất 5% mức tiêu thụ điện trong thời kỳ cao điểm.
Tiêu thụ điện năng của Cộng hòa Czech trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến hết tháng 3/2023 đã giảm được tới 6,5% so với mức trung bình trong cùng giai đoạn của các năm trước đó.
Quy định bắt buộc hạn chế tiêu thụ điện vào giờ cao điểm trong ngày mà EU đã thông qua vào năm 2022 nhằm giảm thiểu việc sử dụng điện sản xuất bằng khí đốt với chi phí cao, có hiệu lực trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến hết tháng 3/2023.
Để đạt được mục tiêu này, Cộng hòa Czech đã kết hợp giữa tiết kiệm tự nguyện, tiết kiệm điện do tăng giá giờ cao điểm, chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các biện pháp khác.
Thời gian tiêu thụ cao điểm của mỗi tháng là khác nhau và do Cơ quan Điều tiết năng lượng quốc gia quy định. Nhờ đó, Cộng hòa Czech đã đạt được mục tiêu tiết kiệm trong thời kỳ tiêu dùng cao điểm trong tất cả các tháng nói trên.
Các giải pháp hữu hiệu khác
Người dân di chuyển trên đường phố tại Berlin, Đức, ngày 5/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhận thức được tiết kiệm điện là chìa khóa để chống biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng, nhiều quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp hữu hiệu trong cuộc đua tiết kiệm điện trên thế giới.
Ở Đức, các điểm tham quan như Cổng Brandenburg ở Berlin, các tòa nhà công cộng và bảng quảng cáo chỉ được chiếu sáng từ 16 giờ đến 22 giờ, trừ các lễ hội văn hóa. Hệ thống sưởi trong hành lang tòa nhà công cộng sẽ bị tắt. Nhiệt độ tối đa tại các trụ sở hành chính công là 19 độ C. Các bể bơi tư nhân không làm nóng bằng điện hoặc khí đốt trừ khi “cần thiết khẩn cấp cho mục đích điều trị hoặc để tránh làm hỏng công nghệ bể bơi”.
Tây Ban Nha quy định nhiệt độ đặt tại các toà nhà công cộng không cao hơn 19 độ C. Quy định này không áp dụng bắt buộc cho các hộ gia đình, nhưng khuyến khích mọi người tiết kiệm. Các cửa hàng phải tắt đèn trưng bày từ 22 giờ. Mọi cơ sở có máy lạnh hoặc máy sưởi phải lắp đặt cơ chế đóng tự động để tránh lãng phí điện. Các biện pháp sẽ được duy trì cho đến tháng 11/2023.
Chiến dịch “giảm sử dụng” của Ireland đã kêu gọi người dân sử dụng bếp, máy sấy quần áo, máy giặt và ấm đun nước một cách hiệu quả và nếu có thể thì nên dùng ngoài khung 16 giờ đến 19 giờ.
Tại Italy, chiến dịch Thermostat đưa ra một số biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả việc tắt các đài phun nước công cộng. Chính phủ yêu cầu các hộ dân giảm nhiệt độ sưởi thêm 1 độ C và tắt thêm một giờ mỗi ngày. Italy cũng khuyến khích mọi người tắm nhanh hơn, chỉ sử dụng máy rửa bát và máy giặt khi đã đầy tải cũng như không để các thiết bị gia dụng ở chế độ chờ.
Trong tương lai, Nghị viện Châu Âu (EP) đặt mục tiêu các tòa nhà mới của các nước EU sẽ sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời vào năm 2028 khi có khả năng về mặt kỹ thuật và kinh tế. Đối với nhà ở dân cư, hạn chót là năm 2032.
Theo: Bnews