Thứ bảy, 02/11/2024 | 05:30 GMT+7

Những gia đình siêu tiết kiệm điện

02/06/2023

Khi lắp điều hòa, gia đình chị Thu Thanh quyết định khoét một khoảng tường thông hai phòng ngủ để tất cả cùng mát.

"Diện tích mỗi phòng 12 m2, nhà chưa có trẻ nhỏ nên chúng tôi chỉ cần mát hơn ngoài trời khoảng 5-7 độ, thêm quạt nữa là ngủ ngon", chị Thanh giải thích việc đục thông sang phòng ngủ của bố mẹ chồng.
Tủ lạnh nhà chị Thanh dán giấy nhớ để nhắc nhở các thành viên sử dụng tủ lạnh tiết kiệm. Ảnh nhân vật cung cấp
Gia đình người phụ nữ 30 tuổi ở Hà Nội cũng triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, bất kể đông hay hè. Mọi thiết bị trong gia đình đều là loại có dán tem tiết kiệm điện. Theo chị Thanh, dù giá đắt gấp đôi, gấp ba nhưng các đồ dùng này đều có độ bền và tiết kiệm được đáng kể tiền điện mỗi tháng.
Ngày thường, vợ chồng chị đi làm cả ngày nên buổi trưa bố mẹ chồng ra phòng khách nằm vì "bật quạt trần cũng đủ mát". Buổi tối, 22h cả nhà mới bật điều hòa để ngủ, hẹn giờ tắt lúc 4h sáng.
Trước cửa ra vào, bố chồng chị dán giấy nhớ "tắt tất cả thiết bị điện khi ra ngoài". Trên cánh cửa tủ lạnh, chị Thanh cũng viết to "nghĩ kỹ xem nên lấy gì ra cùng lúc", để không đóng mở tủ lạnh quá nhiều lần, tránh mất hơi lạnh gây tốn điện. Buổi tối, bố chồng chị thường đi một vòng, tắt các thiết bị điện không sử dụng ở phòng khách, đèn sân thượng.
Chị Thanh nói không thấy bức bối vì những biện pháp tiết kiệm điện này, ngược lại cổ vũ cả nhà. "Tiết kiệm điện chưa biết tốt cho xã hội đến đâu nhưng trước mắt là tiết kiệm cho túi tiền của mình", chị kết luận. Nhờ thế mà những tháng mùa hè tiền điện nhà chị chỉ tăng hơn 100.000 đồng so với những tháng trước đó trong khi nhiều hàng xóm, tiền điện tháng 5 đã tăng gấp đôi.
Ở Đà Nẵng, nền nhiệt cao nhiều ngày qua cũng gây bức bối nhưng gia đình ba thành viên của chị Hồng An (35 tuổi) vẫn cố định tiền điện ở mức hơn 300.000 đồng mỗi tháng. Với lợi thế gần biển, nhà nhiều cửa sổ, gia đình chị tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên mà chưa cần dùng đến điều hòa.
Chị cũng đi chợ mỗi ngày thay vì chất đầy đồ trong tủ lạnh. "Nhà tôi chọn lối sống tối giản nên rất nhiều thứ không cần dùng đến điện", Hồng An nói. Hai năm trước, tủ lạnh nhà chị Hồng An bị hỏng hai tháng nhưng gia đình không sửa. Thay vào đó, mỗi sáng chị đi chợ gần nhà, mua vừa đủ dùng trong ngày. Các món ăn cũng đa phần là hấp, luộc nên không tốn công sơ chế hay đặt lâu trên bếp.
"Trứng luộc thì thả luôn vào cùng rau hoặc cho nồi cơm điện. Có khi luộc thịt ở dưới nồi, bên trên hấp khoai, hấp rau", chị nói.
Tận dụng gió biển, bóng râm là cách chống nóng tiết kiệm của những người dân vùng ven biển. 
Tiết kiệm điện là nhu cầu thiết thực của mọi gia đình vì như chị Thu Thanh nói, nó trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền, đặc biệt trong bối cảnh giá điện tăng 3% kể từ tháng 5/2023.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương đã có trên 85% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng, trên 90% người dân đã hiểu được lợi ích của tiết kiệm năng lượng và đã nắm bắt được các giải pháp để tiết kiệm năng lượng.
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong giai đoạn 2010-2021, cả nước tiết kiệm được 37 tỷ kWh điện, tương ứng hơn 66.700 tỷ đồng. Kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân 2% tổng sản lượng hàng năm.
Hãng nghiên cứu và phân tích thị trường quốc tế Nielsen nhiều năm xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia tiết kiệm nhất thế giới, trong đó khoản được tiết kiệm nhất của người Việt là điện và nước (70%).
Hiện có 27 tỉnh, thành phố đưa ra yêu cầu người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm. TP HCM khuyến nghị cán bộ, người dân cần hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng khi làm việc, không bật điều hòa dưới 26 độ C để tiết kiệm điện.
Nói về biện pháp đục tường thông hai phòng ngủ để cùng dùng điều hòa của gia đình chị Thu Thanh, tiến sĩ Nguyễn Công Tráng (Khoa Điện - Điện tử, ĐH Tôn Đức Thắng TP HCM) cho rằng điều này là hợp lý. "Nếu khoảng trống thông phòng đặt điều hòa rộng khoảng một mét vuông, loại điều hòa hai mã lực (2HP) phù hợp với tổng diện tích hai phòng 30- 37 m2, đặt chính giữa, vẫn có khả năng làm mát hiệu quả mà tiết kiệm điện", ông nói.
Chuyên gia khuyên để tiết kiệm điện, các gia đình cần chọn thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện năng, chọn loại điều hòa phù hợp với diện tích phòng. Khi dùng điều hòa, nên để nhiệt độ 26 độ C trở lên, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời không quá 5-6 độ. "Cứ cài nhiệt độ điều hòa tăng một độ sẽ tiết kiệm được 2-3% điện năng tiêu thụ", tiến sĩ Tráng nói.
Buổi tối, nên sử dụng tính năng hẹn giờ điều hòa kết hợp với quạt điện, vệ sinh điều hòa định kỳ, trung bình 3-6 tháng một lần, tùy vào tần suất sử dụng. Điều hòa cũng như mọi thiết bị điện nên ngắt cầu dao hoặc rút khỏi ổ cắm để không tiêu tốn lượng điện trong thời gian chờ.
Thợ bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ trong những ngày nắng nóng ở Hà Nội. 
Chị Thu Thanh cho biết, nhiều người khen ý tưởng lắp một điều hòa cho cả hai phòng của gia đình chị và các giải pháp tiết kiệm điện khác, nhưng cũng có người chê nhà chị quá keo kiệt.
"Mọi thành viên trong nhà đều thấy thoải mái nên chúng tôi chẳng để tâm người khác nghĩ gì. Quan trọng là nhìn hóa đơn tiền điện không thấy chóng mặt", chị nói.
Theo: VnExpress