Thứ sáu, 19/04/2024 | 06:05 GMT+7

Australia hướng tới trở thành quốc gia điện mặt trời áp mái

16/03/2023

Năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ sớm thay thế than đá thành nguồn sản xuất điện được sử dụng nhiều nhất tại Australia.

Một báo cáo của công ty tư vấn SunWiz (Australia) nêu rõ tổng công suất phát điện của toàn bộ hệ thống năng lượng mặt trời quy mô nhỏ, được lắp đặt trên mái nhà các hộ gia đình và hộ kinh doanh ở nước này, đã vượt mức 20GW. Sau khi tập đoàn năng lượng AGL đóng cửa nhà máy điện than Liddell với công suất 2.000MW vào tháng 4 tới, năng lượng mặt trời áp mái sẽ lần đầu tiên nắm vai trò nguồn điện năng lớn nhất của Australia.
Theo ABC News, Australia mất 11 năm để đạt được mức 10GW công suất phát điện mặt trời đầu tiên và chỉ 4 năm để đạt được mốc 10GW thứ hai. Dự báo tổng công suất điện mặt trời ở nước này tăng thêm 3.000MW trong năm nay và vượt mức 3.200MW vào năm sau.
“Việc hàng triệu gia đình và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống này, cũng như lĩnh vực điện mặt trời phát triển đã giúp Australia đạt được những con số tích cực trên”, ABC News dẫn lời ông Warwick Johnston, Giám đốc điều hành SunWiz đánh giá.
Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà tại một khu dân cư ở Sydney, Australia. Ảnh: Bloomberg 
Hiện Australia có hơn 3,4 triệu hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, với 300.000 hệ thống được lắp đặt mới mỗi năm. Như vậy, trung bình cứ 3 căn nhà có 1 căn lắp hệ thống điện mặt trời trên mái-tỷ lệ cao hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào và vượt xa mức trung bình toàn cầu.
Thậm chí, ở phía Đông Bắc bang Queensland, 82% nhà ở được coi là phù hợp với công nghệ này đều lắp các tấm pin mặt trời. Sự gia tăng nhanh chóng của năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Australia khiến các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt tự nhiên ngày càng phải vật lộn để cạnh tranh. Một số đã phải đóng cửa hoặc tìm cách xin bảo hộ phá sản trong cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm ngoái.
Ngoài việc nhà máy Liddell sắp “nghỉ hưu”, một loạt nhà máy điện than khác dự kiến sẽ đóng cửa trong những năm tới bao gồm nhà máy lớn nhất nước này Eraring (công suất 2.880MW) vào năm 2025 và nhà máy Yallourn vào năm 2028.
Cơ quan quản lý năng lượng Australia (AER) cho biết, nước này là nhà xuất khẩu than lớn thứ hai trên thế giới nhưng cũng hướng tới trở thành một cường quốc năng lượng tái tạo, trong đó có lĩnh vực điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng.
Vào năm 2011, Chính phủ Australia đưa ra chương trình phát triển năng lượng tái tạo quy mô nhỏ (SRES), trong đó chú trọng hỗ trợ và khuyến khích hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời. Mặt khác, các bang cũng áp dụng những chính sách riêng. Đơn cử, từ năm 2018, người dân bang Victoria khi lắp đặt, sử dụng điện mặt trời sẽ được hoàn tiền từ dự án Solar Homes (tạm dịch: Ngôi nhà mặt trời) của bang. Hay các công ty điện lực ở bang South Australia hỗ trợ giảm giá pin mặt trời, tặng tiền mỗi ngày, mua lại điện từ hộ gia đình với giá cạnh tranh...
Xu hướng chuyển sang năng lượng sạch để giảm phát thải khí nhà kính cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu điện mặt trời áp mái ở Australia. ABC News dẫn kết quả một cuộc thăm dò gần đây bởi Viện nghiên cứu Lowy (Australia) cho biết, 60% số người được hỏi nói rằng họ nên hành động ngay bây giờ để chống biến đổi khí hậu ngay cả khi điều này làm tăng chi phí đầu tư đáng kể.
Chính phủ mới của Công đảng cũng cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng của Australia xuống 0 vào năm 2050 với một lộ trình tham vọng hơn là giảm 43% mức phát thải ròng quốc gia vào cuối thập kỷ này.
Theo: Quân đội Nhân dân