Thứ sáu, 01/11/2024 | 13:29 GMT+7

Mô hình tòa nhà xanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng

21/07/2023

Viêc các tòa nhà sử dụng năng lượng tái tạo và vận hành tự động hóa không những có thể tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng cho doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.

Xây dựng công trình, tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành xây dựng đang hướng tới. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang ngày càng có nhiều công trình thiết kế thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng.
Tòa nhà xanh nghĩa là cắt giảm lượng khí thải carbon xuống bằng không từ hoạt động thi công cho đến vận hành. Tiêu chuẩn này có thể thực hiện đồng bộ thông qua hai giải pháp: điện hóa từ năng lượng tái tạo (sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời, bộ lưu trữ điện…) và thông qua lĩnh vực số hóa (tự động hóa tòa nhà, hệ thống quản lý năng lượng) cho tòa nhà. 
Trụ sở Schneider Electric tại Singapore đạt chứng nhận phát thải ròng bằng 0 (Ảnh: Schneider Electric)
Là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật số tự động hoá và năng lượng để mang đến hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển bền vững, Schneider Electric luôn theo đuổi kế hoạch Net Zero. Theo ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Vietnam và Campuchia, giải pháp về xanh hóa tòa nhà xanh không chỉ thông qua việc xây mới mà ngay tại chính trong những tòa nhà hiện hữu, đơn vị cũng cung cấp những giải pháp tối ưu năng lượng cho vận hành.
"Làm mới những tòa nhà hiện hữu cực kỳ quan trọng. Các tòa nhà hiện tại sẽ tồn tại đến 2050 - năm cần đạt mục tiêu phát thải bằng không. Vì vậy thay vì đập hết để xây mới, chúng ta nên xanh hóa các tòa nhà đang có sẵn", ông Lâm cho biết.
Ví dụ điển hình chính là tòa nhà trụ sở của Schneider Electric tại Singapore. Đây là tòa nhà 25 năm tuổi, đề bài từ Chính phủ đưa ra là làm sao cải tạo nó thành tòa nhà xanh. Để thực hiện, đơn vị đã ứng dụng 100% năng lượng từ nguồn tái tạo: lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, mua điện từ năng lượng tái tạo. Hệ thống cửa kính bên ngoài thay mới toàn bộ, dùng vật liệu cách nhiệt nhằm giảm thất thoát năng lượng.
Tiếp theo khâu thiết kế là đổi mới vận hành. Tập đoàn lắp đặt hơn 5.000 cảm biến, thiết bị IoT để dự báo thời tiết, tiết kiệm sử dụng năng lượng, tối ưu hoạt động tòa nhà. Nhờ vậy, đây là tòa nhà đầu tiên đạt chứng nhận phát thải carbon bằng không. Ngoài ý nghĩa với môi trường toàn cầu, xanh hóa tòa nhà còn mang đến nhiều giá trị gián tiếp liên quan đến tài chính như tiết kiệm chi phí vận hành, tối ưu hóa sử dụng, nâng cao giá trị thương hiệu. Khi ứng dụng công nghệ vào tòa nhà hiện hữu, phí thuê tăng lên, rút ngắn thời gian hoàn vốn.

Tính đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 200 tòa nhà xanh trên khắp cả nước. Bên cạnh tiêu chuẩn LOTUS (hệ thống tiêu chí công trình xanh cho thị trường xây dựng Việt Nam) của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, thị trường Việt Nam còn có một số hệ thống chứng nhận Green Mark (Hệ thống chứng nhận công trình xanh của Singapore, chủ yếu phù hợp với thị trường xây dựng tại các nước phát triển).

Ngoài ra còn có chứng nhận EDGE (Hệ thống chứng nhận tập trung vào các tiêu chí năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa của vật liệu, phù hợp với các dự án có mục tiêu tối thiểu hóa mức tiêu thụ tài nguyên); LEED (Hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện, được phát triển tại Mỹ và phù hợp cho các dự án hướng tới nhận diện thương hiệu quốc tế)… giúp đánh giá hiệu năng công trình về mặt sử dụng năng lượng, khí thải, thiết kế, độ an toàn và môi trường làm việc.

Điển hình theo chuẩn công trình xanh được cấp chứng nhận Lotus là Trường Quốc tế Concordia (Hà Nội). Với diện tích mặt sàn 8.090 m2, chủ đầu tư đã áp dụng các phương pháp xanh hóa công trình như lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời, các khu vực có máy đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) mỗi nửa tiếng một lần và dịch vụ xử lý nước tại chỗ, được lọc hai lần và làm mát.

Khuôn viên Trường quốc tế Concordia (Ảnh: Internet)

Toàn bộ tường, sàn của ngôi trường được sơn phủ bằng các chất có hàm lượng VOC thấp (hàm lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Toàn bộ tường được làm bằng chất liệu không nung như bê tông hay thạch cao với 64,2% diện tích công trình được phủ ánh sáng ban ngày. Kết quả tích cực mà trường Quốc tế Concordia thu được là tiết kiệm 32,5% năng lượng và 52,6% lượng nước sử dụng. 

Hay như nhà máy Đồng Phú Cường (Đồng Nai), đây là một nhà máy sản xuất dệt may mặc cũng đã đạt được chứng nhận công trình xanh vào tháng 05/2018 với những cải tiến như lắp hệ thống đèn LED (mật độ công suất chiếu sáng 1.55 w/m2), các tấm pin năng lượng mặt trời (tổng công suất 25 kWp), hệ thống thu nước mưa và xử lý nước thải, giám sát nồng độ CO2, chiếu sáng tự nhiên và tối ưu hóa tầm nhìn xung quanh… Các kết quả cụ thể mà nhà máy này thu được là tiết kiệm 61,5% năng lượng, tiết kiệm 40,9% lượng nước sinh hoạt và 61% nước chạy dự án.
Nhà máy Đồng Phú Cường (Ảnh: Internet)
Trên thực tế, mặc dù các chủ đầu tư đã dành nhiều sự quan tâm đến việc xây dựng các giải pháp, tòa nhà xanh phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, số lượng các tòa nhà được chứng nhận vẫn còn ít trong khi mức độ tiếp cận các công nghệ kỹ thuật không thua kém khu vực.
Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây cản trở tiến trình này được xác định do 2 yếu tố: Thứ nhất là về vấn đề tài chính, mặc dù tổng thể chi phí vận hành sẽ giảm đáng kể do tiết kiệm đến 30-40% năng lượng tiêu thụ, nhưng chi phí xây dựng ban đầu thường sẽ cao hơn từ 10-30% so với các công trình thường.
Thứ 2 là các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, trong tương lai cần có các chính sách khuyến khích xây dựng tòa nhà xanh mạnh mẽ hơn. Đồng thời, các nhà đầu tư, phát triển bất động sản cần đưa giá trị bền vững như một phần giá trị công ty. Khi chủ đầu tư quản lý hiệu quả tòa nhà và thấy rõ giá trị của việc nhanh hoàn vốn, tiết kiệm chi phí, họ sẽ thúc đẩy quá trình xanh hóa.
Mô hình toà nhà xanh là xu thế tất yếu hiện nay và trong tương lai trước sự gia tăng của biến đổi khí hậu. Do đó, những hành động trong ngành năng lượng hiệu quả, xanh hóa năng lượng từ đó sẽ mang ý nghĩa lớn lao, hướng tới tương lai bền vững.​
Minh Khuê