Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:39 GMT+7

Châu Âu "thắt lưng buộc bụng" tối đa để tiết kiệm năng lượng

30/08/2022

Mùa đông lạnh giá đang tới dần, người dân Châu Âu buộc phải tắm nước lạnh, tắt điều hoà tối đa để tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm từ hành động nhỏ nhất
Đi dọc các con đường tối của Paris sau nửa đêm, các nhà hoạt động chống lãng phí năng lượng đến gần các bức tường, tắt dần các công tắc điện. Từng chiếc công tắc một được dập xuống, ánh đèn còn sót lại ở các cửa hàng dần biến mất. Đây chỉ là một bước nhỏ nhưng mang tính biểu tượng trong hành trình lớn nhằm tiết kiệm năng lượng ở châu Âu. Việc này được thực hiện giữa lúc cả châu lục tìm cách hạn chế dùng khí đốt tự nhiên và dầu từ Nga để các nhà máy không bị buộc phải đóng cửa và các hộ dân vẫn được sưởi ấm và có điện để sử dụng.
Kỹ sư Kevin Ha và nhóm của anh đã hành động để hạn chế lãng phí ở Paris từ rất lâu trước khi Nga bắt đầu cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu. "Mọi người đều có thể có tác động tích cực ở mức độ của riêng mình, bằng cách áp dụng các biện pháp hay, làm những điều đúng đắn để giảm tiêu thụ năng lượng tiêu thụ", Kevin Ha nói trên đại lộ ánh sáng Champs-Élysées.
Nhóm vận động của Kevin Ha kêu gọi chống lãng phí năng lượng bằng cách đi tắt đèn tại các cửa hiệu vẫn bật đèn vào buổi đêm.
Rủi ro hiện tại đang rất lớn. Nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt vốn đã giảm mạnh, các nhà chức trách lo ngại châu Âu có nguy cơ trở thành một nơi lạnh hơn, tối hơn và kém năng suất hơn trong mùa đông này. Các quan chức cho biết châu Âu bắt buộc phải tiết kiệm khí đốt ngay bây giờ để người dân sau này có khí đốt để sử dụng tại nhà, nhà máy và nhà máy điện.
"Châu Âu cần phải sẵn sàng", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói. "Để vượt qua mùa đông - giả sử rằng lượng khí đốt của Nga bị gián đoạn hoàn toàn - chúng ta cần tiết kiệm khí đốt để làm đầy các kho chứa khí đốt của mình nhanh hơn. Và để làm như vậy, chúng ta phải giảm lượng khí đốt tiêu thụ. Tôi biết rằng đây là một yêu cầu lớn đối với toàn thể Liên minh châu Âu, nhưng đây là điều cần thiết".
Mặc dù châu Âu đang cố gắng thu gom thêm năng lượng từ nơi khác, nhưng bất kỳ khó khăn nào trong mùa đông này cũng có thể là điềm báo tồi tệ hơn nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt đứt hoàn toàn và ngừng hoạt động cho đến năm 2023 - Bộ trưởng Giám sát Năng lượng của Pháp, Agnès Pannier-Runacher, cho biết.
Nhóm vận động leo lên cao để tắt các công tắc đèn tại các cửa hàng vẫn bật sáng điện vào buổi đêm. Ảnh: AP
Bà Pannier-Runacher nói với các thượng nghị sĩ Pháp: "Nếu việc cung cấp khí đốt bị cắt giảm vào cuối năm, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có một năm không có khí đốt của Nga, vì vậy mùa đông năm sau có thể còn khó khăn hơn".
Do đó, nhiều nơi tại châu Âu, người dân được khuyên tắm nhanh hơn, tắt ổ điện và làm những gì họ có thể làm để tiết kiệm điện.
Hạn chế sử dụng năng lượng
Từ trước tới nay, Đức nhập khoảng 1/3 lượng khí đốt nước này sử dụng từ Nga, điều này khiến nền kinh tế lớn nhất và quốc gia đông dân nhất của EU trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Tiết kiệm năng lượng đang được thực hiện nghiêm túc tại Đức: tắt đèn, các bể bơi công cộng trở nên lạnh hơn và tiêu chuẩn nhiệt độ sưởi ấm đang được điều chỉnh.
Mái vòm bằng kính của Reichstag, tòa nhà quốc hội ở Berlin, sắp tối sau khi đóng cửa vào lúc nửa đêm và hai mặt tiền sẽ không còn được chiếu sáng. Nhiệt độ văn phòng của các quan chức sẽ giảm từ 2 độ đến 20 độ C vào mùa đông này. Tòa thị chính Berlin, Bảo tàng Do Thái, hai nhà hát opera và Cột Chiến thắng cũng nằm trong số khoảng 200 địa điểm ở thủ đô nước Đức không còn được thắp sáng vào ban đêm.
Các phòng tắm hơi cũng đang dần đóng cửa tại các bể bơi thành phố của Munich. Các bể bơi công cộng ở Hannover sẽ chỉ có tắm tráng nước lạnh - đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm 15% năng lượng sử dụng của thành phố phía bắc.
Robert Habeck, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế của Đức, cho biết: "Tất cả các khoản tiết kiệm năng lượng sẽ giúp chúng tôi vượt qua mùa đông này và chuẩn bị cho mùa đông tiếp theo". Nói với tờ Der Spiegel, ông cho biết ông cũng đã cắt giảm thời gian tắm.
"Đó sẽ là một con đường đầy khó khăn, nhiều chông gai, nhưng chúng tôi có thể xoay xở được".
Với chiến dịch có tên "Gạt công tắc", chính phủ Hà Lan đang khuyến khích người dân tắm không quá 5 phút, sử dụng rèm che nắng và quạt thay vì điều hòa nhiệt độ và giặt sấy bằng khí lạnh.
Theo luật được thông qua hôm 1/8 ở Tây Ban Nha, các văn phòng, cửa hàng và khách sạn sẽ không còn được phép để điều hoà nhiệt độ dưới 27 độ C vào mùa hè và không tăng trên 19 độ C vào mùa đông.
Thủ tướng Pedro Sánchez đã yêu cầu các nhân viên văn phòng bỏ cà vạt - nhằm giảm bớt nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ. Ông đã làm mẫu khi xuất hiện tại một cuộc họp báo trong một chiếc áo sơ mi hở cổ.
Chính phủ Ý cũng đang khuyến nghị các giới hạn về sưởi ấm và làm mát trong các tòa nhà công cộng.
Ở Pháp, chính phủ đang đặt mục tiêu giảm 10% việc sử dụng năng lượng vào năm 2024. Các thị trưởng cũng đang tiến hành cuộc chiến chống lãng phí của riêng họ, ví dụ như phạt tiền đối với các cửa hàng có máy lạnh hoặc máy sưởi để mở cửa trước.
Nguồn: Tổ quốc