Trang Franceinfo ngày 20/7 đưa tin Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất kế hoạch tiết kiệm năng lượng để các nước thành viên có thể “vượt qua mùa Đông” năm nay và dần chấm dứt sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Nội dung chính như sau:
Liên minh châu Âu (EU) có thể sớm không còn nguồn cung khí đốt từ Nga, bởi vậy họ cần phải có những ý tưởng. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine, nguồn năng lượng hóa thạch từng một thời được coi là dồi dào và có giá rất rẻ từ Nga đang trở thành một thứ “vũ khí” hữu dụng mà nước này sử dụng để làm suy yếu nhóm 27 nước.
Trước viễn cảnh nguồn cung năng lượng này có thể bị cắt đứt hoàn toàn, EU đã đưa ra một danh sách các biện pháp có thể được áp dụng để giảm tiêu thụ khí đốt tại khối này.
Các biện pháp “khả thi” này nằm trong kế hoạch tiết kiệm năng lượng được EC trình bày tại Brussels hôm 20/7. Theo đó, EC kêu gọi nỗ lực của “tất cả người tiêu dùng, cơ quan hành chính công, hộ gia đình, chủ sở hữu các tòa nhà công cộng, nhà cung cấp năng lượng và ngành công nghiệp”.
Kế hoạch này được đưa vào chương trình nghị sự thảo luận tại Brussels ngày 22/7, trước khi được các Bộ trưởng Năng lượng của EC phê duyệt vào ngày 26/7. Kế hoạch tập trung vào 4 tiêu điểm góp phần đáng kể cho mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt của cả khối.
Tiêu điểm đầu tiên là nỗ lực giảm 15% tiêu thụ khí đốt tại tất cả các nước thành viên. Brussels muốn đóng khung và điều phối việc giảm nhu cầu khí đốt trong Liên minh thông qua một quy định mới. Cụ thể là một văn bản pháp lý có tính ràng buộc được thông qua bởi đa số hợp pháp tại Hội đồng châu Âu.
Công cụ này đặt mục tiêu giảm 15% tiêu thụ khí đốt cho mỗi quốc gia thành viên trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, so với mức trung bình cùng kỳ của 5 năm qua. Cuối tháng Chín, các quốc gia phải công bố lộ trình chi tiết hướng đến mục tiêu này.
Bất chấp nỗ lực tự nguyện của nhiều nước thành viên, EU vẫn đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng nghiêm trọng do có nhu cầu tiêu thụ đặc biệt cao. Bởi vậy, EU sẽ đề xuất kích hoạt một cơ chế cảnh báo cho phép ấn định “các mục tiêu giảm nhu cầu bắt buộc” đối với 27 nước thành viên.
Dựa trên cảnh báo này, các chính phủ sẽ quyết định những ngành nào phải áp dụng chế độ tiết kiệm năng lượng trong trường hợp khẩn cấp. EC nêu rõ để đảm bảo có sự công bằng giữa tất cả thành viên, mỗi quốc gia có nghĩa vụ báo cáo hai tháng một lần về mức giảm tiêu thụ năng lượng được ghi nhận ở cấp quốc gia.
Cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo của Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tiêu điểm thứ hai là đảm bảo hạn chế sử dụng hệ thống sưởi ấm và điều hòa nhiệt độ. EC muốn 27 nước thành viên áp dụng các biện pháp bắt buộc để hạn chế hệ thống sưởi và điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng và thương mại, tức là “những nơi khả thi về mặt kỹ thuật”.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, chỉ riêng biện pháp này đã giúp EU tiết kiệm được khoảng 11 tỷ m3 khí đốt trong tổng số mục tiêu 45 tỷ m3 cần tiết kiệm. Để so sánh, trong năm 2020, Nga đã cung cấp khoảng 153 tỷ m3 cho các nước châu Âu.
Thực tế, một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp này từ trước. Cuối tháng Tư, Italy đã thông báo từ đầu tháng Năm, các trường học và các tòa nhà công cộng tại nước này không được sử dụng điều hòa nhiệt độ dưới 27°C vào mùa Hè so với mức 26°C trước đây. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500 euro đến 3.000 euro.
Tây Ban Nha cũng áp dụng các biện pháp tương tự từ cuối tháng Năm như một phần của “Kế hoạch tiết kiệm năng lượng”, trong khi đó Đức cũng áp dụng từ tháng Sáu nhưng không đưa ra bất kỳ ràng buộc nào. Tại Pháp, chính phủ cũng đã đưa ra các hạn chế trong các văn bản (Nghị định năm 2007 hoặc một điều khoản trong Luật Năng lượng), nhưng cũng không có điều khoản đảm bảo nào.
Tiêu điểm thứ ba là khuyến khích công dân cùng nỗ lực hành động. EC đề xuất các quy định buộc các ngành công nghiệp phải thực hiện nỗ lực tiết kiệm năng lượng để đảm bảo có khí đốt cung cấp cho “các khách hàng thuộc diện được bảo vệ”, chẳng hạn các hộ gia đình, dịch vụ xã hội, bệnh viện và doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm gần 37% tổng lượng khí đốt tiêu thụ).
EU muốn khuyến khích sử dụng các nguồn thay thế cho hệ thống sưởi ấm đô thị hoặc máy bơm nhiệt tại các hộ cá thể. Cuối cùng, để các hộ gia đình tham gia vào nỗ lực này, Brussels định tiến hành các chiến dịch truyền thông hướng tới việc giảm nhiệt độ sưởi ấm tổng thể xuống thêm 1°C trong mùa Đông này. Theo EC, sự góp sức của công dân sẽ giúp tiết kiệm “đến 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm”.
Cuối cùng là đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Trong kế hoạch đã đề xuất, Brussels kêu gọi đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung, EC nhấn mạnh: “Cần dành ưu tiên cho năng lượng tái tạo, nhưng việc sử dụng than, dầu mỏ hoặc hạt nhân có thể chấp nhận được trên nguyên tắc tạm thời”.
Do vậy, nhiều quốc gia thành viên, chẳng hạn như Đức, Hà Lan, Áo hay Pháp, trong những tháng gần đây đều đã công bố khả năng duy trì hoặc khôi phục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than. Vấn đề là ở chỗ các nhà máy này chắc chắn sẽ thải ra nhiều khí nhà kính hơn và điều này đi ngược với tham vọng chống biến đổi khí hậu của cả khối.
Đối với các nhà sản xuất công nghiệp, văn bản của EC đã nhắc lại các giải pháp thay thế khí đốt (chuyển sang khí sinh học - biogas, điện khí hóa một số máy móc…).
Trong các lĩnh vực có ít khả năng chuyển đổi, chẳng hạn như ngành hóa học sử dụng khí đốt như một nguyên liệu, EC chọn giải pháp giảm dần nhu cầu để “đỡ tốn kém hơn” so với giải pháp chấm dứt đột ngột.
Theo: BNews