Thứ bảy, 02/11/2024 | 17:22 GMT+7

Sản xuất điện sinh khối – tiềm năng lớn cần khơi mở

15/04/2022

Nằm trong nhóm lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Chính phủ, Thanh Hóa lại có tiềm năng lớn về phát triển điện sinh khối. Đây chính là điều kiện thuận lợi để kêu gọi thu hút đầu tư, hiện thực hóa mục tiêu đưa xứ Thanh thành trung tâm năng lượng của cả nước trong tương lai.

Sản xuất điện sinh khối – tiềm năng lớn cần khơi mởNguồn phụ phẩm nông nghiệp có thể dùng làm vật liệu phục vụ phát triển điện sinh khối.
Xu hướng sản xuất điện năng của thế giới
“Sinh khối” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến để chỉ các vật liệu có nguồn gốc sinh học như cây công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp... có thể được sử dụng làm năng lượng. Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm các loài cây cối đa dạng, các loại phế phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ sắn, lõi ngô, lá khô, vụn gỗ, giấy vụn, khí mê-tan từ các bãi chôn lấp và trạm xử lý nước thải, phân gia súc và gia cầm từ các trại chăn nuôi... Sinh khối có thể được chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua nhiều phương pháp khác nhau như đốt trực tiếp, nhiệt phân, khí hóa và phân hủy kỵ khí. Sản xuất điện sinh khối ngày càng phổ biến vì hiệu quả năng lượng cao, bảo vệ môi trường và nhiều ưu điểm khác. Đây được xếp vào loại có trữ lượng lớn nên đã nhận được đầu tư phát triển của nhiều quốc gia.
Theo các tài liệu nghiên cứu từ Bộ Công Thương đã được công bố tại nhiều hội nghị liên quan gần đây, trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 - 15% tổng nguồn năng lượng của thế giới. Ở Nhật Bản, chính phủ đã ban hành chiến lược năng lượng sinh khối từ năm 2003 và hiện nay đang tích cực thực hiện Dự án phát triển các đô thị sinh khối (biomass town). Tại Hàn Quốc, năng lượng sinh học đang được tích cực phát triển với mục tiêu đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đạt 11% tổng nguồn năng lượng, trong đó năng lượng từ sinh khối sẽ đạt 7,12%. Trung Quốc đã có Luật Năng lượng tái tạo cùng hơn 80 nhà máy điện sản xuất từ sinh khối với công suất đến 50MW/nhà máy. Hoa Kỳ hiện là nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500MW điện mỗi năm. Những nhà máy này sử dụng chất thải từ nhà máy giấy, nhà máy cưa, sản phẩm phụ nông nghiệp, cành lá từ các vườn cây ăn quả... Năng lượng sinh khối hiện chiếm 45% năng lượng tái sinh tại Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, hiện có 10 nhà máy điện sinh khối, lớn nhất là: Nhà máy KCP Phú Yên, Nhà máy Điện sinh khối An Khê (Gia Lai) và Nhà máy Điện sinh khối Bourbon (Tây Ninh). Ở tầm quốc gia cũng sớm xác định thu hút các nhà máy điện sinh khối sẽ được ưu tiên đặc biệt với nhiều ưu đãi. Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Đến năm 2020 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg. Các dự án điện sinh khối thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17-6-2020 của Quốc hội. Theo đó, nếu nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy điện sinh khối, sẽ được Chính phủ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện sinh khối cũng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; đồng thời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...
Nhiều điều kiện phát triển tại Thanh Hóa
Tỉnh Thanh Hóa đã manh nha phát triển các nhà máy điện sinh khối từ khoảng chục năm gần đây với sự lần lượt ra đời của 3 nhà máy sản xuất điện bằng nhiên liệu bã mía. Tổng công suất của 3 nhà máy điện sinh khối này đạt 47,7MW, bao gồm: Dự án điện sinh khối của Công ty CP Mía đường Lam Sơn với công suất 33,2MW, dự án điện sinh khối của Công ty CP Mía đường Nông Cống công suất 4,5MW và dự án điện sinh khối của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan có công suất 10MW. Hiện các nhà máy điện sinh khối này vẫn hoạt động để tận dụng nguồn phụ phẩm dư thừa sau sản xuất đường, nhưng công suất nhỏ nên cơ bản mới phục vụ nhu cầu điện năng nội bộ của các nhà máy.
Để làm rõ những tiềm năng nguyên liệu to lớn trong phát triển điện sinh khối trên địa bàn tỉnh để phục vụ kêu gọi đầu tư, đầu năm 2022 này, Sở Công Thương cũng đã có những khảo sát, đánh giá các điều kiện liên quan. Qua đó khẳng định, Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển điện sinh khối, là địa phương có tài nguyên rừng lớn với diện tích đất có rừng là 641.893,66 ha, tỷ lệ che phủ rừng 53,4%, trữ lượng khoảng 16,64 triệu m3 gỗ, hàng năm có thể khai thác 50.000 - 60.000m3 gỗ. Toàn tỉnh hiện có 248.529,07 ha rừng trồng (chủ yếu là lát, keo, xoan, luồng), hàng năm trồng mới khoảng 10.000 ha rừng; rừng gỗ lớn 50.500 ha, chiếm 20,43% diện tích rừng trồng, tập trung chủ yếu tại các huyện Mường Lát, Thường Xuân, Lang Chánh, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy... Rừng trồng chủ yếu giao cho các hộ gia đình (chiếm 79,3%) và chủ rừng khác (chiếm 20,7%). Thanh Hóa cũng là vùng nguyên liệu tre luồng lớn nhất Việt Nam với 78.115,01 ha rừng luồng, tập trung tại các huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 35 doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản lớn, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thường Xuân, có lượng phế phẩm lâm sản sau chế biến lớn. Cùng với đó, diện tích đất nông nghiệp của Thanh Hóa tới hơn 900.000 ha, chiếm 81,85% tổng diện tích tự nhiên nên phế phẩm nông sản rất lớn. Chỉ tính riêng nguồn rơm rạ khổng lồ sau mỗi vụ gặt hiện nay, hầu như chưa được tận dụng nên nông dân đều đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường. Qua tính toán, chỉ cần 5 kg vỏ trấu, có thể sản xuất được 1KW điện.
Sớm nhận thấy tiềm năng cũng như những lợi ích của phát triển điện sinh khối so với điện than, ngày 1–4-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1026/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thời gian gần đây, UBND tỉnh cũng mới có đề xuất Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Dự án Nhà máy điện sinh khối Như Thanh, công suất 10MW tại xã Xuân Phúc (Như Thanh) do Công ty TNHH MTV Xây lắp Khoa Nguyên đề xuất. Ngoài ra, còn có 1 dự án đang được nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, quan tâm đầu tư là nhà máy điện sinh khối tự cấp điện và hơi, thuộc tổ hợp dự án giấy và năng lượng tại Khu Công nghiệp số 15, Khu Kinh tế Nghi Sơn, công suất 250MW, do Tập đoàn HOKUETSU và Tập đoàn Sản xuất giấy LEE&MAN đề xuất.
Để phục vụ kêu gọi đầu tư nhà máy điện sinh khối, gần đây, Sở Công Thương cũng đưa ra danh sách 5 địa phương thuộc khu vực miền núi thuận lợi có thể đặt nhà máy. Theo đó, các huyện Như Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Thường Xuân, Lang Chánh đều có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn héc – ta rừng trồng, chủ yếu là keo, có thể làm nguyên liệu cho các nhà máy, đồng thời gần các trạm biến áp và đường dây điện cao thế để đấu nối nguồn điện với lưới điện quốc gia.
Những ngày gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã mời gọi được Công ty CP EREX – một tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản trong đầu tư các nhà máy điện sinh khối về nghiên cứu hợp tác mở nhà máy. Đây là tín hiệu vui cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kỳ vọng biến những phế phẩm nông – lâm nghiệp trong tỉnh thành vật liệu phát điện, mang lại lợi ích kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động trong tỉnh.
Theo Báo Thanh Hóa