Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:04 GMT+7

Sử dụng đám mây công cộng có thể giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon

14/12/2021

Đây là công bố mới nhất dựa trên một nghiên cứu quy mô lớn tại Liên minh châu Âu (EU).

Công ty nghiên cứu 451 (451 Research) mới đây đã công bố một nghiên cứu trên quy mô lớn tại châu Âu về mối tương quan giữa công nghệ đám mây và tiêu thụ năng lượng. Theo đó, các doanh nghiệp EU có thể cải thiện đáng kể tính bền vững của mình nếu chuyển các cơ sở dữ liệu và ứng dụng lên các dịch vụ đám mây công cộng thay vì sử dụng các trung tâm dữ liệu tại chỗ.

Cụ thể, việc chuyển các dữ liệu lên môi trường đám mây công cộng có khả năng giúp các doanh nghiệp hạn chế sử dụng năng lượng gần 80%, và do đó giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, lên tới 96%. Tất nhiên với điều kiện doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ trung tâm dữ liệu đám mây công cộng được vận hành bởi năng lượng mới. 

Kết luận này dựa trên các nghiên cứu được thực hiện lần lượt vào năm 2019 và 2021. Kết quả đúc rút từ việc so sánh số liệu thu thập tại các cơ sở ở Hoa Kỳ, châu Á - Thái Bình Dương với hơn 300 cơ sở trên khắp khu vực EU, gồm Pháp, Đức, Ireland, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Sử dụng dịch vụ đám mây công cộng có khả năng giúp doanh nghiệp hạn chế sử dụng năng lượng gần 80%, và giảm 96% lượng phát thải khí nhà kính.

Theo “Báo cáo tiết kiệm năng lượng ở châu Âu bằng cách sử dụng dịch vụ web Amazon” (Saving energy in Europe by using Amazon Web Services) hệ thống máy chủ của dịch vụ đám mây công cộng được tích hợp các cấu kiện tối tân nhằm tối ưu hóa điện năng. Các hệ thống máy chủ này cũng vận hành ở công suất cao, tận dụng mọi khả năng để chia sẻ và phân bổ tài nguyên cho tối đa khách hàng. 

Báo cáo cũng nêu rõ: Ở cấp độ cơ sở, các thiết kế sử dụng ít năng lượng hơn cho cả việc làm mát và phân phối điện năng cho cả đơn vị cung cấp dịch vụ và các đơn vị thuê dịch vụ. 

Điểm mấu chốt cuối cùng, báo cáo cho biết, là các trung tâm dịch vụ đám mây công cộng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để vận hành. Do đó, nó cắt giảm hoàn toàn lượng phát thải carbon. 

Tất cả những yếu tố này khiến cho việc xử lý cùng một đơn vị công việc, như xử lý các giao dịch tài chính, điều hành hoạt động kinh doanh, thực hiện đơn đặt hàng trực tuyến, kích hoạt dịch vụ của chính phủ hoặc phục vụ các trang web... đòi hỏi ít năng lượng hơn đáng kể nếu thực hiện trên môi trường đám mây công cộng so với mức cần thiết để vận hành tại chỗ của từng tổ chức.

Điều đáng ngạc nhiên là, khi so sánh với thiết lập điện toán của một công ty châu Âu điển hình, thì khả năng tiết kiệm năng lượng là gấp khoảng ba lần. 

Theo Giám đốc nghiên cứu cơ sở hạ tầng và dịch vụ trung tâm dữ liệu của 451 Research Kelly Morgan, thì đây là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp EU tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải chỉ với việc thay đổi cách vận hành hạ tầng công nghệ thông tin. “Nghĩ về lượng điện tiêu thụ và lượng khí thải tạo ra bởi hàng chục nghìn công ty trên khắp EU đang vận hành trung tâm dữ liệu riêng, thì đây là một lĩnh vực dường như bị bỏ qua”, bà Kelly Morgan nói.

Bà Chris Wellise, Giám đốc bền vững của Công ty dịch vụ web Amazon (AWS), cho biết báo cáo này đã làm nổi bật tiềm năng cắt giảm chi phí, hạn chế phát thải carbon và vận hành hiệu quả cho doanh nghiệp thông qua việc đẩy khối lượng công việc lớn hơn lên đám mây.

Hiện nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất hành tinh đang thực hiện nhiều cải cách để đảm bảo các trung tâm dữ liệu của mình được vận hành theo cách thân thiện với môi trường. Trước đó, AWS đưa ra cam kết tất cả các cơ sở sẽ vận hành bằng năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Bà Wellise cho biết “AWS đang tìm cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của các cơ sở và thiết bị; đồng thời đổi mới thiết kế và sản xuất máy chủ, thiết bị lưu trữ và mạng để giảm sử dụng tài nguyên và hạn chế lãng phí”.

451 Research là công ty tư vấn và nghiên cứu với mạng lưới hơn 100 nhà phân tích trên toàn thế giới. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ tài chính, nhằm giúp các doanh nghiệp nhìn ra và tận dụng tốt các cơ hội thị trường. 

An Nhiên (Nguồn Computerweekly)