Thứ bảy, 02/11/2024 | 23:25 GMT+7

Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng cần lựa chọn đúng sản phẩm

06/11/2021

Hội tụ đầy đủ những tính năng nổi bật như cắt giảm chi phí năng lượng, chống lại tia UV, tia tử ngoại gây hại cho con người, kính tiết kiệm năng lượng (TKNL) là sản phẩm đã và đang được người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, nếu sử dụng kính không hợp lý sẽ mang đến những bất lợi cho công trình, mất nhiều chi phí trong quá trình vận hành, sử dụng.

Xu hướng xây dựng mới
Thống kê cho thấy, trong tổng tiêu thụ năng lượng tại một đô thị của Việt Nam, thì các công trình tòa nhà cao tầng như các khách sạn, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp… chiếm tỷ trọng 35 - 40%. Trong khi đó, số lượng các dự án này đang được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu tiêu thụ nguồn năng lượng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, có khoảng 80 - 90% các công trình xây dựng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào các khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình.
Sử dụng kính TKNL giúp tiết kiệm đến 50% chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí của các tòa nhà.
Theo các chuyên gia, bên cạnh nhiều giải pháp thiết kế để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho công trình, nhà cao tầng như giải pháp kết cấu tích hợp cho tường bao; trồng cây trên mái nhà để TKNL, điều hòa nhiệt độ, cải thiện chất lượng không khí, chống ồn... thì còn có các giải pháp về thiết bị và công nghệ.
Về thiết bị, các tòa nhà có thể áp dụng hệ thống quản lý thông minh tòa nhà (BMS) tiết kiệm 12% lượng điện tiêu thụ; Máy bơm nước cao tiết kiệm hơn 5% điện năng so với máy bơm tiêu chuẩn thông thường; Bộ biến tần điều khiển hiệu suất bơm và vận hành hệ thống thông gió tiết kiệm 20 - 30% điện năng;…
Đặc biệt về công nghệ, các tòa nhà có thể lắp cửa sổ tòa nhà bằng kính năng lượng thấp (Low - eglass) để giảm truyền nhiệt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong tòa nhà, hoặc kính khống chế ánh nắng phản xạ hầu hết bức xạ mặt trời. Loại kính này sử dụng phim cách ly (insulation film) khống chế cho ánh nắng đi qua nhưng phản xạ lại các tia cực tím (UV), ánh sáng chói và hơi nóng, giúp tiết kiệm được 5% năng lượng.
Hơn nữa, loại kính này thay đổi các mức cách nhiệt giúp cho việc sử dụng năng lượng được khống chế trong bất kỳ khí hậu nào…
Việc sử dụng vật liệu kính có tính năng TKNL là một trong những giải pháp có vai trò rất quan trọng và việc cải thiện công năng của kính theo hướng TKNL đã được ngành Xây dựng thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển.
Còn tại Việt Nam, việc sử dụng vật liệu bao che cho công trình, đặc biệt là các vật liệu kính theo các chỉ tiêu đánh giá TKNL đã và đang ngày càng được khuyến khích. Công nghệ sản xuất kính ngày càng phát triển với rất nhiều sản phẩm kính cao cấp đang được nghiên cứu ứng dụng.
Kính TKNL Viglacera – Vật liệu thiết yếu cho công trình hiện đại
Là đơn vị tiên phong, chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, phát triển vật liệu công nghệ xanh, Tổng Công ty Viglacera đã sản xuất và cung cấp ra thị trường 2 dòng sản phẩm chính là kính Low – E và Solar Control.
Đại diện Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, việc giải quyết bài toán TKNL không chỉ giúp các công trình giảm điện năng tiêu thụ mà còn tăng chất lượng sống, tiệm cận dần những tiêu chuẩn thiết kế của thế giới. Đó là lý do vì sao Viglacera phải đẩy mạnh công tác phát triển kính TKNL để bảo vệ sức khỏe của người sử dụng.
Từ năm 2016, Viglacera đã đưa dây chuyền sản xuất kính TKNL bằng công nghệ phủ mềm (được chuyển giao từ Tập đoàn Von Ardenne GmbH - đến từ Đức), công suất 2,3 triệu m2/năm vào hoạt động.
Kính TKNL Viglacera có cấu trúc điển hình gồm từ 5 đến 8 lớp phủ. Theo đó, phôi kính trắng sau khi được nạp đầu vào sẽ qua máy rửa phôi bằng nước khử khoáng trước khi tiến hành phủ các lớp oxit kim loại, kim loại, lớp phủ nền bạc, lớp phủ bảo vệ, chống ăn mòn... trong buồng chân không.
Hệ thống nước để rửa phôi kính trước khi đưa vào phủ là hệ thống nước khử khoáng DI Water công nghệ lọc thẩm thấu RO qua 2 cấp RO1 và Ro2 để đảm bảo độ dẫn điện của nước thấp hơn 1 microsiemens. Do đó, bề mặt tấm kính phôi sau khi rửa rất sạch giúp đảm bảo các lớp phủ bám dính tốt nhất trên tấm kính.
Do vậy, dòng sản phẩm kính TKNL Solar Control được phủ 5 lớp hợp kim và kim loại để tạo ra tính chất kỹ thuật đặc trưng như tính phản xạ ánh sáng, độ chuyển sáng, độ hữu quang…
Còn với dòng kính Low- E phủ 8 lớp, trong đó lớp chính giữa là lớp bạc. Lớp bạc này làm cho kính Low-E có khả năng hạn chế quá trình chuyền nhiệt từ môi trường bên ngoài vào bên trong phòng rất thấp và ngược lại.
“Sau khi hoàn thiện, kính TKNL được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt bằng hệ thống thiết bị tân tiến và bằng mắt thường. Những khuyết tật như rạn nứt, vỡ… đều được loại bỏ, chỉ những tấm kính đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu mới được thông qua quy trình tiếp theo”, ông Dương Phi Long, Trưởng bộ phận kỹ thuật Nhà máy Kính TKNL Vigracera cho biết.
Hiện nay, kính TKNL Vigracera đã được ứng dụng trong hàng loạt công trình ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Trong đó, tòa nhà Thăng Long Number 1 của Tổng Công ty Viglacera đã sử dụng sản phẩm kính TKNL và đã được Bộ Xây dựng công nhận tòa nhà “Kiến trúc xanh”.
Đánh giá về sản phẩm kính TKNL Viglacera, các chuyên gia trong ngành Vật liệu xây dựng nhận định, sản phẩm kính TKNL Viglacera đang dần thay thế hàng nhập khẩu. Sản phẩm này đã giải quyết được bài toán TKNL phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam và giúp tiết kiệm được đến 50% chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí của các toà nhà xây dựng.
Việc sử dụng kính TKNL đang là một xu hướng xây dựng mới cho các công trình. Do vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương phát triển vật liệu xanh, công trình xanh như tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về vật liệu xây dựng. Cùng với đó, cần đổi mới, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm vật liệu xây dựng; tăng thuế môi trường đối với những vật liệu gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất…
Theo: Báo Xây Dựng