Thứ ba, 21/01/2025 | 21:01 GMT+7

Hiệu quả từ mô hình sử dụng năng lượng xanh tại Thái Bình

28/09/2021

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, giàn nước nóng năng lượng mặt trời, xây bể biogas, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Trao đổi về việc ứng dụng và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, anh Vũ Thanh Tùng, phường Trần Hưng Đạo, Thái Bình cho hay: Từ tháng 5/2020, gia đình tôi lắp đặt, dùng thử nguồn năng lượng này. Với kỹ thuật khá đơn giản, nên tôi mua 8 tấm pin (Solar panel) có diện tích 18 m2 (mỗi tấm hơn 2.2 m2, công suất 440W, điện áp 48,5V), thiết bị hỗ trợ bộ biến tần (Inverter), đồng hồ điện 2 chiều, dây dẫn và tự mình lắp đặt trên mái nhà. Ban đầu xác định dùng thử nên tôi chỉ đầu tư trên 10 triệu đồng cho hệ thống công suất 1 kWp, tạo ra được từ 12 đến 15 kWh/ngày. Trước khi lắp hệ thống điện mặt trời, gia đình phải chi trả số tiền điện là hơn 1 triệu đồng/tháng thì hiện tại chỉ phải trả khoảng 200 nghìn đồng/tháng.
Cũng như gia đình anh Hùng, anh Vũ Anh Khoa, phường Bích Đào, thành phố Thái Bình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với chi phí đầu tư gần 80 triệu đồng cho công suất 5 kWp. Sau khoảng 3 tháng, nhiều gánh nặng chi tiêu trong gia đình anh Khoa đã được giảm bớt.Trước đây, gia đình phải chi trả số tiền điện là hơn 2 triệu đồng/tháng, hiện tại chỉ phải trả khoảng 600-700 nghìn đồng/tháng.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp đặt tại trụ sở UBND xã Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình.(Ảnh Báo Thái Bình)
Còn gia đình anh Lê Văn Đoàn, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đã 1 năm nay. Mùa nắng nóng vừa qua, hệ thống điện năng lượng mặt trời của gia đình đã phát huy rõ rệt, trong khi điện lưới quá tải thì hệ thống điện của gia đình anh vẫn ổn định. Anh Đoàn chia sẻ: "Trước đây, khi chưa lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, hàng tháng gia đình tôi phải chi trả từ 400.000 - 600.000 đồng tiền điện. Từ khi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái công suất 7,5kwp, hóa đơn tiền điện đã giảm chỉ còn 100.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn bán lại điện cho ngành điện thu về 1 triệu đồng/tháng."
Gia đình ông Đỗ Đình Bang, xã Đông Trà, huyện Tiền Hải lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời từ năm 2019, công suất ban đầu 10kwp. Sau khi thấy hiệu quả, gia đình ông đầu tư thêm dàn năng lượng công suất 40kwp với nguồn vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Với gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời khá tiện ích và kinh tế. Hơn nữa, khi vào mùa hè, tình trạng điện lưới quá tải thường xuyên xảy ra. Khi vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời, số tiền điện của gia đình sử dụng điện lưới giảm. Hơn nữa, việc sử dụng thiết bị điện không còn hoàn toàn phụ thuộc vào điện lưới. Bên cạnh ưu điểm về hiệu quả kinh tế thì điện năng lượng mặt trời là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường đang được khuyến khích sử dụng.
Ngoài các hộ dân có điều kiện về kinh tế đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời sử dụng trong sinh hoạt, còn nhiều hộ dân thực hiện tiết kiệm năng lượng bằng việc lắp hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, xây bể biogas, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Gia đình anh Hoàng Đức Thiện, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải nhiều năm nay tận dụng khí từ bể biogas làm chất đốt đã góp phần tiết kiệm chi phí sinh hoạt. 
"Ngày trước, khi chưa xây bể biogas, lượng phân vật nuôi và nước thải được thải trực tiếp ra cống rãnh mà không qua xử lý nên làm ô nhiễm môi trường, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình. Trước thực trạng trên, gia đình tôi đã đầu tư xây bể biogas tận dụng khí để đun nấu, mỗi tháng tiết kiệm được 200.000 đồng tiền chất đốt." - anh Thiện cho hay.
Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất của người dân được  nâng cao nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các tài nguyên để sản xuất ra năng lượng như than, chất đốt... ngày càng cạn kiệt, không đáp ứng đủ dẫn đến có sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu. Việc sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã góp phần tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Để phát triển năng lượng xanh, tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và các cuộc tập huấn nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường. Ban, ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức tư vấn, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa ra các khái niệm cơ bản về năng lượng trong phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường; khuyến cáo việc sử dụng các thiết bị tiêu hao ít năng lượng, ít ảnh hưởng đến môi trường...
Mai Anh