Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:00 GMT+7

Tưới tiết kiệm lan tỏa ở vùng đất khô hạn

23/09/2021

Với hiệu quả mang lại từ tưới tiết kiệm trên cây trồng, nông dân tỉnh Bình Thuận ngày càng lan tỏa, mở rộng với diện tích áp dụng trên 21.548 ha.

Tỉnh khô hạn linh động giải pháp chống hạn
Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, còn mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, trên thực tế mùa mưa thường tập trung vào các tháng 8, 9, 10, trong khi đó lượng mưa trung bình năm lại thấp, chỉ đạt 1.024 mm. Trong khi đó tổng dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn ít. Do vậy, hàng năm hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Hiện nay nhiều vườn thanh long tỉnh Bình Thuận được nông dân áp dụng rộng rãi tưới tiết kiệm. Ảnh: KS.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, để thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cũng như thích ứng biến đổi khí hậu, việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, hạn chế tình trạng thiếu nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển ổn định ngành kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành ở địa phương hết sức quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, ngoài linh động bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp để tránh các tác động bất lợi của thời tiết và thủy văn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng tình hình nắng hạn, tỉnh này còn chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, tính đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 21.548 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như: nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ cho cây lúa; tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây trồng cạn. Trong đó tưới cây trồng cạn 21.458 ha (trong đó cây thanh long chiếm 15.550 ha/29.272 ha) đạt 43,3% trên tổng diện tích cây trồng có áp dụng tưới tiết kiệm nước.

Nông dân cho biết, tưới tiết kiệm giúp giảm được nhiều chi phí, tăng năng suất cây trồng. Ảnh: KS.
Theo nông dân tỉnh Bình Thuận đánh giá, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng giúp tăng năng suất cây trồng 25%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc 30%. Đặc biệt, lượng nước tiết kiệm từ 40-45% so với phương pháp tưới truyền thống.
Đối với áp dụng tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa) cho cây thanh long, ông Nguyễn Văn Hồng, một nông dân trồng thanh long, ở xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) cho biết, từ năm 2015 gia đình ông đã áp hình thức tưới này cho 1 ha thanh long. Từ đó đã giúp ông giải tỏa áp lực về nguồn tưới mỗi khi vào mùa khô hạn, bởi lượng nước tưới được tiết kiệm 40-50%. Không những thế ông còn giảm được nhiều chi phí về tiền mua rơm tủ gốc, tiền điện và công lao động (100 công).
Tiếp tục mở rộng diện tích tưới tiết kiệm
Theo ông Phước, để lan tỏa mở rộng diện tích tưới tiết kiệm trên cây trồng, thời gian qua ngành nông nghiệp Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, kế hoạch nhằm khuyến khích người nông dân ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

Vườn thanh long áp dụng tưới tiết kiệm, giúp tăng năng suất. Ảnh: MH.
Cụ thể, như Quyết định số 3398 về kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 19 về quy định mức hỗ trợ, việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 2775 về việc tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Hiện nay, triển khai Nghị định số 77 của Chính phủ về quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 09 về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh để có cơ sở pháp lý áp dụng chính sách hỗ trợ kinh phí cho người nông dân đầu tư quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và nhất là hỗ trợ một phần kinh phí cho hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.   
Bên cạnh đó, hàng năm, ngành nông nghiệp đều kết hợp lồng ghép nội dung phổ biến, hướng dẫn công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Cùng với đó tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn vào chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình thủy lợi để mọi người dân được biết, tiếp cận ứng dụng vào sản xuất.

Tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục lan toả các mô hình tưới tiết kiệm cho cây trồng. Ảnh: KS.
Ngoài ra, Sở giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng. Từ kết quả thực hiện mô hình thí điểm, xác định những mặt hiệu quả để nhân rộng vào sản xuất...
Để phát triển, mở rộng áp dụng mô hình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, thời gian tới, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp có sử dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đồng thời mở các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xây dựng các mô hình mẫu, mô hình trình diễn nông nghiệp thông minh gắn với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; thực hiện các mô hình, dự án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ sản xuất với quy mô nhỏ, hộ gia đình được lồng ghép trong các dự án đầu tư công để làm cơ sở nhân rộng mô hình.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam