Thứ bảy, 02/11/2024 | 11:34 GMT+7
Thầy giáo Lê Xuân Thê, nguyên giảng viên khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Xây dựng thói quen tiết kiệm điện
Theo tôi, có 4 nguyên nhân khiến chúng ta nên sử dụng điện tiết kiệm, nhất là trong mùa hè - thời điểm nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng lên. Đó là, nếu sử dụng nhiều điện sẽ dẫn đến tình trạng quá tải ở các trạm biến áp trong khu dân cư, khi ấy tình trạng mất điện sẽ thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi người. Tiếp đó, sử dụng điện năng một cách hợp lý không chỉ giúp các gia đình giảm số tiền điện hằng tháng mà còn giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, giúp ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, bảo vệ môi trường. Tiết kiệm nguồn điện sẽ làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và tăng doanh thu, lợi nhuận; nếu sử dụng quá nhiều thiết bị điện mà điện năng truyền tải không đủ thì sẽ làm giảm tuổi thọ của các thiết bị cấp điện.
Để tiết kiệm điện, các hộ dân nên sử dụng các thiết bị điện tiêu hao công suất nhỏ như để chiếu sáng thì nên chuyển sang sử dụng đèn led hay đèn compact - tiết kiệm điện mà vẫn đủ độ sáng; điều hòa nhiệt độ thì nên dùng loại inverter; bếp điện nên chuyển sang sử dụng bếp từ; sử dụng lò vi sóng thay vì lò nướng... Bên cạnh đó, việc lựa chọn đáy các loại xoong nồi vừa với bếp, máy giặt chỉ dùng khi số lượng quần áo cần giặt đủ phù hợp với máy, không đưa vào tủ lạnh thực phẩm còn đang nóng... cũng là một cách tiết kiệm điện năng.
Ngoài ra, trước khi lắp đặt các thiết bị sử dụng điện, chúng ta cũng nên tính toán xem diện tích phòng là bao nhiêu để lắp đặt các thiết bị chiếu sáng tương ứng, quạt mát hay điều hòa công suất bao nhiêu cho vừa đủ. Với ti vi và các thiết bị khác như nồi cơm điện, quạt, máy giặt..., khi không sử dụng thì chúng ta nên tắt hẳn nguồn và cố gắng hạn chế dùng thiết bị điều khiển từ xa. Trong giờ cao điểm, chúng ta nên tránh sử dụng cùng một lúc các thiết bị có công suất lớn và hạn chế sử dụng các thiết bị không thật cần thiết.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên xây dựng thói quen khi ra khỏi phòng phải tắt các thiết bị điện như đèn, quạt, máy tính... và vào ban ngày cố gắng mở tất cả các cửa để chiếu sáng căn phòng bằng ánh sáng tự nhiên. Việc mở các cửa không chỉ giúp tiết kiệm một lượng điện năng không hề nhỏ mà còn giúp bầu không khí thoáng đãng, mang đến cho chúng ta một tinh thần tỉnh táo, lạc quan. Một thói quen nữa cũng nên lưu ý, đó là nên kiểm tra định kỳ 1 tuần/lần các thiết bị điện để kịp thời sửa chữa, thay thế, bởi việc sử dụng những thiết bị hoạt động kém hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu hao năng lượng.
Ông Hoàng Minh Thủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông:
Ứng dụng công nghệ để kiểm soát tốt hơn
Mùa hè là thời điểm nhu cầu sử dụng điện đặc biệt tăng cao. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng các thiết bị điện một cách hợp lý, tiết kiệm thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng hỏng thiết bị điện, bởi khi dòng điện yếu cũng đồng nghĩa với việc điện áp cung cấp không đủ để thiết bị hoạt động, thậm chí điều này còn dẫn tới nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, nguy cơ gây cháy nổ tăng cao so với bình thường.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện và tiết kiệm chi phí cho gia đình, xã hội, chúng tôi khuyến cáo khách hàng nên sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả vào khung giờ cao điểm từ 11h đến 15h30 và từ 20h đến 23h30. Không sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn, giảm bớt đèn chiếu sáng, cài đặt nhiệt độ điều hòa từ 27 độ trở lên. Đối với doanh nghiệp sản xuất, cần bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm, không nên để các thiết bị điện hoạt động không tải, đồng thời nên đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện như lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất. Đối với cơ quan công sở, nên tiết giảm 70% lượng chiếu sáng ở các khu vực công cộng. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng nên tắt 50% số đèn quảng cáo ngoài trời.
Thêm vào đó, người dân cần chủ động theo dõi và kiểm soát tình hình sử dụng điện của gia đình hằng ngày thông qua Hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của EVNHANOI, như website, app, EPoint...; đây cũng là một cách hiệu quả để quản lý và điều chỉnh hợp lý cách thức và thói quen sử dụng điện trong gia đình.
Kỹ sư điện Nguyễn Văn Hữu, Trưởng phòng Kỹ thuật - Hiệu chuẩn, Tập đoàn EMIN:
Khuyến khích sử dụng điện năng lượng mặt trời
Bên cạnh những biện pháp tiết kiệm điện thường dùng thì đối với các hộ gia đình có điều kiện, chúng ta nên lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để sẻ chia gánh nặng với ngành Điện trong mỗi mùa nắng nóng. Sử dụng điện năng lượng mặt trời giúp các hộ có thể sử dụng điện mà không phải trả tiền điện hằng tháng. Chúng ta thử đặt ra bài toán: Mỗi tháng, mỗi gia đình dùng 1 triệu đồng tiền điện thì tạm tính mỗi ngày sử dụng khoảng 13 số. Một ngày mùa hè nắng to khoảng 5 giờ (từ 10h - 15h) thì phải lắp hệ thống 3 KW, giá trên thị trường khoảng 40 triệu đồng và tuổi thọ pin khoảng 25 năm.
Như vậy, chúng ta chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu là có thể vừa tiết kiệm lại giúp giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, năng lượng mặt trời là một dạng năng lượng sạch, không gây tác động xấu tới môi trường và là một dạng năng lượng mà các nước trên thế giới đã và đang hướng đến. Đối với hệ thống chiếu sáng sân vườn, chúng ta có thể chọn đèn năng lượng mặt trời. Tối đến đèn tự bật, ban ngày đèn tự tắt. Vừa tiết kiệm, vừa gọn gàng không cần đi dây điện phức tạp, đồng thời góp phần trang trí thêm cảnh quan sân vườn. Vấn đề là ta làm thế nào để giảm giá thành lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời xuống để khuyến khích người dùng.
Theo Báo Hà Nội mới