Thứ bảy, 02/11/2024 | 01:34 GMT+7

Người dân tích cực tiết kiệm năng lượng

18/05/2021

Để tiết kiệm hiệu quả năng lượng nhằm tiết kiệm “hầu bao” cho chính mình và góp phần bảo vệ môi trường, những năm qua người dân xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên luôn ý thức cao trong việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm từ những việc làm nhỏ.

 

Để tiết kiệm hiệu quả năng lượng nhằm tiết kiệm “hầu bao” cho chính mình và góp phần bảo vệ môi trường, những năm qua người dân xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên luôn ý thức cao trong việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm từ những việc làm nhỏ.

Ảnh minh họa

Là xã nông thôn thuộc huyện Bắc Tân Uyên, toàn xã có 1.812 hộ với 9.164 nhân khẩu, có khoảng hơn 230 hộ kinh doanh, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 78%. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh và các trang trại nông nghiệp là không nhỏ. Bà Vũ Thị Kim Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Định, cho biết các hộ dân đều nhận thức được việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) trước tiên đó là tiết kiệm chi phí cho gia đình. Việc TKNL được người dân thực hiện từ những việc làm nhỏ như sử dụng bóng đèn led có công suất phù hợp, tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, hạn chế sử dụng điện trong khung giờ cao điểm... Đặc biệt, có một số hộ dân thực hiện lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, hộ vừa sinh hoạt vừa sản xuất, kinh doanh.

Được biết đến là trang trại nông nghiệp có quy mô lớn, trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến ở ấp Vườn Uơm đã ứng dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, sử dụng điện 3 pha phục vụ cho công tác tưới tiêu. Ông Đoàn Minh Chiến cho biết, vào mùa mưa, chi phí giữa điện năng lượng mặt trời với điện lưới quốc gia đạt giá trị cân bằng. Mùa mưa, thời tiết mát, năng lượng yếu nên phát ra hệ thống năng lượng thấp, chỉ đạt 100 - 150kWh điện. Mùa nắng nhu cầu tưới tiêu cao hơn gấp 3, 4 lần, năng lượng cao nên trung bình đạt 400 - 450kWh điện, giải quyết được 30 - 40% nhu cầu mà mình sử dụng tưới tiêu cho toàn trang trại. Nhìn chung, nhờ năng lượng mặt trời đã hỗ trợ được khoảng 50 - 70% chi phí phải trả cho điện lực hàng tháng.

Trong phát triển chăn nuôi, các trang trại trên địa bàn xã hiện nay đều đầu tư hệ thống hầm biogas nhằm tái sử dụng năng lượng. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ được xã khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng hầm chứa biogas từ nguồn vay vốn tín dụng chính sách. Sử dụng biogas sẽ góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường thông qua việc sử dụng chất thải vào mục đích hữu ích, cũng như tìm ra nguồn năng lượng sạch, rẻ, bền vững và chủ động.

Thông qua hiệu quả thực tế, chương trình xây hầm biogas hộ gia đình nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Hiện xã có 16 hộ chăn nuôi sử dụng hầm chứa biogas. Chị Ngô Kim Thủy, trang trại nuôi heo tại ấp Cây Chanh, chia sẻ gia đình sử dụng hầm biogas như một phương thức sản xuất điện năng quy mô nhỏ, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường. Đối với hầu hết các cơ sở sản xuất việc sử dụng biogas như nguồn năng lượng dự trữ, cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt khi nguồn điện bị gián đoạn thật sự rất hữu hiệu.

Hiện nay, người dân trên địa bàn xã đã và đang quan tâm nhiều đến vấn đề TKNL nói chung, tiết kiệm điện nói riêng. Người dân xã Tân Định luôn có ý thức rất cao về an toàn, TKNL trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và tự truyền cho nhau các hình thức hữu hiệu. Điều này cho thấy sự thành công cho chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm không chỉ còn trên lý thuyết mà đã đi vào ý thức và đời sống của mỗi hộ cá nhân của xã Tân Định nói riêng và các phường, xã... tại các địa phương.

Theo Báo Bình Dương