Thứ sáu, 01/11/2024 | 16:29 GMT+7
Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng, Đồng bằng sông Cửu Long không những là vùng sản xuất thủy sản lớn của cả nước mà còn là nơi có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
Lợi ích từ việc kết hợp nuôi tôm và sản xuất điện mặt trời.
Bên cạnh những nhà máy điện mặt trời với công suất lớn, nhiều hộ nông dân trong vùng đã đầu tư và phát triển điện mặt trời tại trang trại nuôi tôm, vừa bảo đảm nguồn cung điện ổn định, vừa mang lại lợi ích kinh tế.
Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14-10 có ao tôm rộng 2.000m2 tại xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Trước đây mỗi tháng, ông phải chi trả 17-18 triệu đồng tiền điện để vận hành ao tôm. Tiết kiệm điện trong nuôi tôm luôn là vấn đề khiến ông Luận suy nghĩ.
Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại trang trại nuôi tôm của Công ty TNHH MTV Long Mạnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu).
Ông Ngô Công Luận cho biết: “Tôi là người đầu tiên trong hợp tác xã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Mỗi ngày, hệ thống sản xuất 125-150kWh, được sử dụng để vận hành ao tôm, từ đó giảm khá nhiều chi phí sản xuất”.
Tại trang trại của Công ty TNHH MTV Long Mạnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, những tấm pin mặt trời được lắp đặt ngay trên cánh đồng nuôi tôm. Việc này giúp khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên cùng một diện tích.
Ông Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh cho biết: “Công ty của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu tôm sang thị trường châu Âu, vì vậy, phải chú ý đến các tiêu chí xuất khẩu, trong đó có các tiêu chí về môi trường. Sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí rất quan trọng để đạt được chứng chỉ ASC (Aquaculture Stewardship Council-Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá cao, xuất khẩu thuận lợi hơn nếu công ty quan tâm đến vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, kết hợp nuôi trồng thủy sản với sản xuất năng lượng sạch sẽ bảo đảm nguồn điện cho sản xuất, giảm chi phí điện năng...”.
Theo: QĐND