Chủ nhật, 22/12/2024 | 08:41 GMT+7

Cùng ngắm những tác phẩm kiến trúc "xanh mướt mắt"

08/05/2020

Trong số 8 công trình xanh nổi tiếng có một công trình đến từ Việt Nam. Các công trình này minh chứng cho sự kết hợp tuyệt vời giữa vẻ đẹp kiến trúc xanh và tính thân thiện môi trường của ngành xây dựng hiện đại.

Tòa nhà Anti-Smog, Pháp

Tòa nhà Anti-Smog được thiết kể bởi kỹ sư tài năng Vincent Callebaut. Ông đã miêu tả công trình của mình như là một tòa nhà ăn khói bụi độc hại từ tình trạng giao thông kinh khủng của Paris bằng việc hấp thụ và tái chế khí thải. Bên cạnh đó, tòa nhà Anti-Smog còn khai thác nước mưa từ các vùng xanh trên mái nhà nhằm sử dụng cho toàn bộ tòa nhà.

Hệ thống khách sạn Parkroyal, Singapore

Hệ thống khách sạn như khách sạn Parkroyal có biểu tượng công trình khách sạn xanh ngay ngoài mặt tiền. Đó là biểu tượng kiến trúc xanh một cách nghệ thuật tinh tế với hệ thống cây xanh được thiết kế theo nhiều cấp bậc gồm các loại cây nhiệt đới và dây leo khiến cho du khách đến đây có cảm giác như đang được sống giữa thiên nhiên tươi đẹp.

Cùng với đó là hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng và vô cùng hiệu quả, hệ thống xử lý nước mưa, nước thải, hệ thống ánh sáng cảm biến và kính năng lượng mặt trời… tất cả như muốn mang đến cho du khách một khu rừng nhiệt đới nằm ở giữa trung tâm của thủ đô ngân hàng của khu vực Đông Nam Á.

Khách sạn nghỉ dưỡng the Babylon, Naman Retreat resort, Việt Nam

Công trình vườn treo Naman Retreat the Babylon là một khối khách sạn nhiều tầng. Mặt ngoài của công trình là hệ thống lam bê tông đúc sẵn theo chiều thẳng đứng với cây dây leo vừa giúp giảm ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vừa cho phép gió lưu thông vào hành lang và tất cả các phòng. 

Khu nghỉ dưỡng là sự đan xen hài hòa của cây xanh, đá tự nhiên và tre để đem đến môi trường hoàn hảo giúp cho du khách dễ dàng thanh lọc tâm trí và thư giãn tối đa. 

Viện bảo tàng Quaibranly, Pháp 

Viện bảo tàng Quaibranly tọa lạc tại thủ đô của Pháp và nằm gần tháp Eiffel. Đây là nơi trưng bày nghệ thuật, văn hóa và các nền văn minh của châu Phi, Á, Mỹ và châu Đại Dương.

Điểm ấn tượng của bảo tàng này là có những khu vườn dọc bao phủ bên ngoài. Cây cối phát triển không cần đất trồng và được thiết kế nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm bớt việc sử dụng năng lượng.

Trung tâm thể thao xanh Mercator, Hà Lan

Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Hà Lan VenhoevenCS, trung tâm thể thao xanh ở Amsterdam nhìn xa như một pháo đài thiên nhiên với hàng ngàn cây xanh bao phủ. Khu thể thao xanh Mercator được đặt ngay ở lối vào một công viên trong khu phố De Baarsjes. Các kiến trúc sư đã sử dụng rất nhiều cây rậm rạp và hoa ở mặt tiền tạo nên một mảng không gian xanh rộng lớn.

Tòa nhà Hyperion, Ấn Độ

Tòa nhà được thiết kế theo mô hình “tự cung tự cấp” do kiến trúc sư người Bỉ Vincent Callebaut thiết kế là tòa nhà sinh thái thân thiện với môi trường bởi các vườn cây xanh mát có thể cho thu hoạch trái cây và rau hữu cơ, các trang trại chăn nuôi nhỏ.

Các tòa nhà sẽ được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời. Năng lượng cho các tòa nhà được tạo ra thông qua các tua bin gió và hệ thống quang điện. Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp phụ từ các trang trại sẽ được chuyển thành khí metan để tạo ra năng lượng sử dụng trong tòa nhà. Nước mưa sẽ được thu thập cho tưới tiêu và để bổ sung nước ngầm. Công trình được dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.

Tháp Tao Zhu Yin Yuan, Đài Loan

Phần bên ngoài tháp gồm 23.000 cây và bụi cây lấp đầy mặt tiền, mái nhà và ban công của tòa nhà chọc trời. Theo nhà thiết kế chính, lượng cây này sẽ nhận 130 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm, nặng tương đương với khoảng 27 chiếc ô tô.

Tòa tháp rộng 42.335 mét vuông với thiết kế uốn vặn 90 độ từ nền đến đỉnh tháp, mô phỏng cấu trúc chuỗi xoắn kép ADN. 

Tòa tháp One Central Park – Sydney, Úc

Công trình bao gồm vật liệu hoàn thiện ngoại thất chủ yếu là kính cùng với cây xanh. Trải rộng trên 1.000 mét vuông với 21 tấm vật liệu “xanh” được tạo thành từ 35 loài cây khác nhau.

Trên các tầng cao nhất của công trình là một dầm côngxôn lơ lửng. Cấu trúc này dài 42 mét, vươn ra từ cạnh bên của tháp phía Đông và được tạo thành từ 320 mặt gương phản xạ. Mặt gương giúp thu giữ ánh sáng mặt trời và phản chiếu vào khu vườn của Công viên trung tâm rộng 64.000 mét vuông.

Trường Giang tổng hợp