Chủ nhật, 22/12/2024 | 22:58 GMT+7
Đèn điện dân dụng được chia thành hai loại chính, gồm đèn LED và đèn truyền thống. Trong đó, đèn truyền thống là các loại, như đèn huỳnh quang (CFL), đèn sợi đốt. Cách chia này phần nào cho thấy sự khác biệt của đèn LED so với các loại đèn trước đây, tuy nhiên, lợi thế của sản phẩm vẫn chưa được nhìn nhận rõ ràng.
"Mặc dù xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm nay, đèn LED chỉ bắt đầu được quan tâm nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây", anh Đào Điền, chủ cửa hàng kinh doanh đèn chiếu sáng tại Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho biết.
Theo anh Điền, đèn LED sở hữu hàng loạt ưu điểm so với đèn truyền thống, tuy nhiên giá cao, đồng thời lại dễ bị làm giả. Có nhiều loại đèn LED chất lượng kém xuất hiện ở giai đoạn đầu của thị trường khiến nhiều người chưa tin tưởng về chất lượng của lại đèn này. Đến nay, thị trường đã dần ổn định, giá sản phẩm dễ tiếp cận hơn, mặt hàng này được nhiều người chọn mua nhằm tiết kiệm điện.
"Có những nhà xưởng được chuyển đổi hệ thống điện từ đèn truyền thống sang đèn LED, lượng điện tiêu thụ đã giảm 30%", anh Điền cho biết.
Theo giải thích của một chuyên gia trong lĩnh vực điện - điện tử, đèn LED tiết kiệm điện hơn vì khả năng chuyển đổi điện thành ánh sáng tốt hơn. Cụ thể, 95% điện năng khi vào đèn LED sẽ được chuyển thành ánh sáng. Trong khi đó đèn huỳnh quang là khoảng 40-50%, đèn sợi đốt chỉ 5%. Phần còn lại được chuyển thành nhiệt năng, vừa không có tác dụng chiếu sáng vừa khiến đèn nhanh giảm tuổi thọ. Energy Star - một tổ chức chuyên đánh giá và cấp chứng chỉ về khả năng tiết kiệm năng lượng cũng đã thừa nhận hiệu suất trên của đèn LED.
Khi ứng dụng vào hệ thống chiếu sáng trong gia đình, bóng đèn LED góp phần giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ so với các bóng đèn truyền thống.
Theo đại diện một công ty chuyên sản xuất bóng đèn tại Hà Nội, trên vỏ hộp đèn đều có hai thông số: Công suất (W), Hiệu suất phát sáng (lumen/W). Hai số này nhân với nhau sẽ ra quang thông, tức lượng ánh sáng phát ra của đèn (đơn vị lm - lumen). Với cùng một nhu cầu chiếu sáng, bóng đèn có hiệu suất càng lớn, công suất cần thiết sẽ càng nhỏ, tức càng tiêu thụ ít điện. Hiện nay, các loại đèn CFL phổ biến trên thị trường có hiệu suất khoảng 45-60 lm/W, trong khi đèn LED trung bình vào khoảng 90-100 lm/W.
Ví dụ, một căn phòng nhỏ cần lượng ánh sáng khoảng 3.000 lumen, người dùng có thể chọn bóng đèn compact 50W hoặc đèn LED 30W để có độ sáng tương đương. Nếu chọn đèn LED, mỗi giờ lượng điện tiêu thụ sẽ ít hơn 20W so với đèn huỳnh quang. Nếu nhu cầu thắp sáng mỗi ngày 5 tiếng, bóng đèn LED sẽ giúp tiết kiệm 100Wh mỗi ngày. Một tháng là khoảng 3 kWh (3 số điện).
Chênh lệch này có thể chưa lớn, nhưng với tuổi thọ của bóng đèn LED khoảng 20 nghìn giờ, người dùng có thể sử dụng đèn trong khoảng 10 năm với tần suất 5 tiếng mỗi ngày, tiết kiệm hơn đèn huỳnh quang khoảng 400 số điện.
Ngoài tiết kiệm điện và độ bền cao, đèn LED còn sở hữu nhiều tính năng đặc biệt so với đèn truyền thống, như khả năng chiếu sáng có định hướng, không chứa các chất độc hại cho môi trường, có thể điều chỉnh được độ sáng, theo Energy Star đánh gía. Ngoài ra, nhiều thợ điện cho biết các loại đèn LED có trọng lượng nhẹ, vỏ bằng nhựa nên dễ dàng lắp đặt và vận chuyển hơn.
Tuy nhiên, loại đèn này hiện vẫn có giá thành khá cao so với mặt bằng chung. Ví dụ, chiếc đèn LED tròn 30W có giá khoảng 220 nghìn đồng, trong khi đèn huỳnh quang 50W giá khoảng 120 nghìn đồng. Ngoài ra, trên thị trường còn có khá nhiều loại đèn chất lượng kém được bán tràn lan, khiến người dùng khó khăn khi chọn mua.
Theo Vnexpress