Chủ nhật, 22/12/2024 | 08:28 GMT+7
Hiện nay nhận thức về giá trị của việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam đang ngày càng được nâng cao. Công trình xanh không chỉ giúp cư dân tiết kiệm được các chi phí điện, nước hàng tháng mà còn gây ấn tượng bởi các tính năng, đồng thời góp phần xây dựng nhận thức về giá trị bền vững trong lối sống của cộng đồng.
Theo xu thế đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tích cực thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững bằng cách xây dựng các công trình xanh.
Các giá trị cơ bản
Farming kindergarten, công trình xanh tại Đồng Nai
Theo đại diện của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), các công trình xanh có cùng các nguyên tắc cơ bản trong phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của con người mà không gây tổn hại cho các thế hệ tương lai. Mặc dù có nhiều thách thức, tuy nhiên lợi ích mà các công trình xanh mang lại là rất lớn, như tiết kiệm chi phí điện nước, giảm chi phí vận hành, cải thiện chất lượng không khí và môi trường, tăng sự thoải mái, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng hình ảnh kinh doanh.
Tại Việt Nam hiện nay có 2 tổ chức chứng nhận công trình xanh là LEED và Lotus. Bên cạnh đó, chứng nhận EDGE của IFC là hệ thống chứng nhận hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên của các công trình xây dựng được dành riêng cho các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực công trình xanh, mỗi tổ chức sẽ có những mức độ đánh giá, chứng nhận khác nhau. Mức độ này sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn xây dựng và ở các mức độ đòi hỏi các tiêu chuẩn nhất định trong thiết kế, xây dựng, vận hành và chi phí tương xứng phát sinh. Do đó, việc phát triển các dự án, công trình xanh trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, mức độ đánh giá của cư dân và sự thay đổi nhận thức về chi phí của khách hàng.
Ví dụ, một dự án muốn được chứng nhận EDGE phải đảm bảo tiết kiệm ít nhất 20% mức giảm tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu, đồng thời hạn chế lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình từ sản xuất tới tiêu hủy vật liệu. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các giải pháp xanh trong công trình không chỉ dừng lại ở lắp đặt và vận hành thiết bị tiết kiệm năng lượng như pin năng lượng mặt trời, biến tần bơm nước,… mà còn ở các chi tiết hướng đến những lợi ích lâu dài.
Xu hướng tất yếu của thị trường
Tính đến cuối năm 2019, tại Việt Nam có gần 60 công trình xanh được chứng nhận Lotus và LEED. Sự nở rộ của công trình xanh cho thấy xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững.
Mặc dù, để đạt được chứng nhận xanh đòi hỏi các công trình phải đáp ứng nhiều tiêu chí, song mang lại các lợi ích lâu dài. Áp dụng đồng bộ các giải pháp xanh như hạn chế tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, vòi chảy lưu lượng thấp... các dự án có thể tiết kiệm trung bình 28% năng lượng, 32% nước và 45% năng lượng hàm chứa trong vật liệu.
Đối với các dự án dân sinh, công trình xanh cung cấp nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Theo đó, các căn hộ xanh không chỉ giúp tiết kiệm 10 – 15% chi phí vận hành, bảo trì mà còn giúp cải thiện sức khỏe, hạn chế các nguy cơ mắc bệnh và góp phần giảm lượng phát thải khí cacbon.
Giới chuyên gia nhận định, thu nhập và nhận thức của thị trường đang chuyển biến theo hướng coi trọng các giá trị bền vững và tôn trọng thiên nhiên hơn. Do đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ ngày càng phải chú trọng đến các yếu tố xanh trong thiết kế, xây dựng và vận hành nhằm thu hút người tiêu dùng. Đây là điều cả thế giới đang tiến tới và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Hải Yến