Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:38 GMT+7

Cảnh giác với thiết bị tiết kiệm điện

07/07/2017

Hàng loạt trang mạng quảng cáo chỉ cần bỏ ra số tiền vài trăm ngàn đồng mua thiết bị tiết kiệm điện nhỏ gọn, số tiền điện sẽ giảm 10-30% mỗi tháng.

Hàng loạt trang mạng quảng cáo chỉ cần bỏ ra số tiền vài trăm ngàn đồng mua thiết bị tiết kiệm điện nhỏ gọn, số tiền điện sẽ giảm 10-30% mỗi tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành điện cho rằng đây chỉ là trò lừa đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Nam - phó trưởng khoa điện - điện tử Trường đại học Bách khoa TP.HCM - tháo và phân tích hai thiết bị tiết kiệm điện - Ảnh: Lê Phan

Để tìm hiểu thực hư thiết bị tiết kiệm điện, chúng tôi đã đặt mua 2 thiết bị tiết kiệm điện được rao bán trên mạng và nhờ chuyên gia khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) phân tích...

Giao tận nhà

Cách thức đặt hàng rất đơn giản, người mua chỉ cần vào bất kỳ một trang web nào rao bán thiết bị tiết kiệm điện như khuyenmai....com, sanphamch....info, thậm chí cả Lazada cũng phân phối loại thiết bị này. Sau đó, người mua để lại thông tin và chỉ ít phút sau sẽ có người liên lạc lại.

Với sản phẩm thứ nhất, sau khi chúng tôi điền thông tin trên web khoảng 10 phút thì nhận được điện thoại từ một số máy bàn có đầu số Hà Nội để xác nhận đã đặt mua hàng. Nhân viên này cho biết thiết bị này có giá 300.000 đồng và sẽ được giao sau 2-3 ngày.

Còn đối với thiết bị thứ hai, khi nhân viên bên công ty liên lạc, chúng tôi ngỏ ý muốn được đến xem hàng thì người này cho biết sẽ giao hàng trực tiếp chứ không tiếp khách tại công ty. Chúng tôi kể với nhân viên tư vấn về việc gia đình mỗi tháng phải chi trả hơn 1 triệu đồng tiền điện thì người này tư vấn cần mua hai thiết bị gắn vào có thể giảm 300.000-400.000 đồng tiền điện mỗi tháng.

Giá của một thiết bị tiết kiệm điện tại công ty này là 690.000 đồng, nếu mua số lượng lớn trên 10 sản phẩm sẽ được giảm còn 400.000 đồng cho một thiết bị. Nhân viên nghe điện thoại cho biết thêm sản phẩm này được công ty phân phối độc quyền, chứ không có đại lý bán lẻ trên thị trường.

Sau khi nhận hàng, đối với thiết bị tiết kiệm điện có giá 690.000 đồng, sản phẩm được gói trong một hộp giấy kèm theo tờ hướng dẫn sử dụng in toàn bằng tiếng Anh nhưng không hề có mã vạch, nguồn gốc xuất xứ hay địa chỉ công ty phân phối. Tức nếu khách hàng đặt mua xong dù có chất lượng hay không cũng chỉ biết im lặng, không biết đổi trả ở đâu.

Còn đối với sản phẩm có giá 300.000 đồng được kèm theo một giấy hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cho thấy hiệu quả của sản phẩm có thể giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ đến 28.000W. Sản phẩm này có kèm theo một giấy bảo hành 6 tháng tại Công ty đầu tư công nghệ ĐS (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trên hai giấy giới thiệu nguyên lý hoạt động của cả hai sản phẩm đều vẽ một đồ thị thể hiện nguyên lý hoạt động giống hệt nhau, như được in ra từ một nguồn và không thể hiện rõ bất kỳ một đại lượng nào.

Coi chừng 
tiền mất tật mang

Sau khi nhận sản phẩm, chúng tôi đem hai mẫu này đến khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa nhờ hỗ trợ phân tích.

Theo quan sát sau khi được tháo phần vỏ bên ngoài, cấu tạo bên trong của hai sản phẩm này gần như y hệt nhau. Mỗi sản phẩm gồm hai dây đỏ nối từ phích cắm vào một bo mạch có gắn một đèn LED, từ hai bo mạch này sẽ có hai dây đen nối vào một tụ điện nhỏ.

Sau khi tính toán và đo đạc, TS Nguyễn Quang Nam, phó trưởng khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Về mặt hình thức, các thiết bị trên có vẻ quá nhỏ so với định mức công suất có thể xử lý được ghi trên nhãn của các thiết bị từ 28-30 kW.

Các tài liệu hướng dẫn đều thể hiện một nguyên lý hoạt động hết sức mơ hồ, không cho thấy rõ đại lượng nào như dòng điện, điện áp hay công suất được cải thiện trước và sau khi lắp thiết bị vào.

Riêng về bo mạch của hai thiết bị bao gồm một tụ điện xoay chiều và một mạch điện nhằm giới hạn dòng điện qua LED hiển thị để đèn LED này không bị cháy.

Như vậy, các thiết bị này thực chất không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức độ như đã khẳng định trong các tài liệu hướng dẫn của các thiết bị đó. Đó là chưa kể nó còn tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ” - TS Nam nhận định.

Cũng theo ông Nam, đối với các thiết bị không rõ nguồn gốc xuất xứ thường khó kiểm chứng mức độ an toàn của chúng, thậm chí theo quy định, sản phẩm trên không được phép lưu hành. Vì thế, người dùng vừa tốn tiền mà vẫn không giải quyết được vấn đề của mình.

Hai mẫu mã thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo giúp giảm 10-30% điện năng tiêu thụ - Ảnh: Lê Phan

Ông Luân Quốc Hưng - trưởng ban kỹ thuật Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho rằng hiện nay không có thiết bị nào cắm vào ổ điện là có khả năng tiết kiệm điện. Việc tiết kiệm điện hay không chủ yếu do cách sử dụng điện hợp lý.

Ví dụ như khi xây dựng nhà cần tận dụng ánh sáng tự nhiên, tắt bóng đèn, thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng bóng đèn compact, LED công suất thấp, sử dụng điều hòa ở mức trên 25-260C...

Theo Tuổi trẻ