Thứ tư, 06/11/2024 | 06:31 GMT+7

"Điểm nóng" về năng lượng mặt trời của Ấn Độ

13/07/2016

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để tạo ra một bản đồ đánh dấu những khu vực có tiềm năng sản xuất điện mặt trời lớn.

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để tạo ra một bản đồ đánh dấu những khu vực có tiềm năng sản xuất điện mặt trời lớn. Đó là những khu vực ở miền tây, miền trung và miền Nam Ấn Độ với lượng ánh sáng mặt trời dồi dào quanh năm.

Các nhà khoa học tại trung tâm Space Applications Centre ở Ahmedabad cho biết Gujarat, Rajasthan, Madhya Pradesh, Karnataka, Tamil Nadu và Chhattisgarh là những khu vực lý tưởng để đầu tư sản xuất điện mặt trời. Hàng năm, mỗi mét vuông ở những khu vực này có thể mang lại từ 2.500 - 3.500 kWh điện. 

"Nếu ước tính trên của các nhà khoa học là chính xác, những khu vực này sẽ thu hút hơn gấp hai lần các nhà đầu tư đến sản xuất điện mặt trời so với những khu vực khác ở Ấn Độ", bà Rajinder Kaura, phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng mặt trời của Ấn Độ cho biết. 

Ấn Độ đã lắp đặt khoảng 7.600 MW công suất điện mặt trời tích lũy, trong đó các dự án ở Rajasthan, Tamil Nadu và Gujarat đóng góp công suất lớn nhất. Tuy nhiên, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn cam kết rằng đến năm 2022, công suất điện mặt trời của đất nước này sẽ tăng lên đến 100.000 MW. 

Tại trung tâm tâm Space Applications Centre, nhà nghiên cứu Bimal Bhattacharya và các đồng nghiệp của mình đã sử dụng Kalpana-1 - vệ tinh khí tượng do Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ đưa ra vào năm 2002 để kiểm tra lượng bức xạ mặt trời trên khắp Ấn Độ trong khoảng thời gian 3 năm từ 2009 - 2011. 

Từ đó, họ đã đánh dấu được những khu vực có lượng bức xạ mặt trời lớn ở miền tây và miền trung Ấn Độ trong đó có khu vực Chhattisgarh, khu vực dọc theo đồng bằng Ấn - Hằng với sản lượng điện mặt trời ước tính thu được là 1.500 - 2.500 kWh. 

"Bản đồ của chúng tôi đưa ra những ước tính chính xác hơn về sản lượng điện mặt trời tiềm năng mà các khu vực sản xuất ra được", nhà nghiên cứu Bhattacharya cho biết. "Chúng tôi hy vọng rằng bản đồ này sẽ hỗ trợ được các cơ quan năng lượng tái tạo của Ấn Độ và các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào năng lượng mặt trời". 

Mặc dù trung tâm Space Applications Centre đã phát hiện ra nhiều khu vực mới có tiềm năng sản xuất điện mặt trời lớn tương đương với hai khu vực Gujarat và Rajasthan nhưng hai khu vực này vẫn sẽ được tập trung khai thác bởi lượng ánh sáng mặt trời ở đây rất dồi dào và chi phí đất đai lại tương đối thấp.

Cộng đồng năng lượng mặt trời ở Ấn Độ thường dựa vào mạng lưới 45 trạm đo lường bức xạ mặt trời trên toàn quốc. Dù bộ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo đang thành lập một mạng lưới gồm 121 trạm ước định tài nguyên bức xạ mặt trời nhưng như vậy vẫn chưa đủ. 

"Bản đồ của trung tâm Space Applications Centre sẽ là một nguồn dữ liệu mới, đáng tin cậy cho cộng đồng các nhà phát triển điện mặt trời trong cả nước", ông Pranav Mehta, chủ tịch Liên đoàn năng lượng mặt trời năng lượng quốc gia - cơ quan bảo trợ cho các nhà sản xuất, các công ty kỹ thuật và các tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời cho biết.

Ngọc Diệp (Theo telegraphindia.com)