Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:39 GMT+7
Dự án điện mặt trời của Ấn Độ vừa nhận được một "cú hích" lớn từ Ngân hàng Thế giới.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới thông báo rằng các dự án điện mặt trời kết nối với lưới điện của Ấn Độ sẽ nhận được khoản tài trợ lên đến 1 tỷ đôla. Ngân hàng Thế giới đã hợp tác với Ngân hàng nhà nước Ấn Độ - ngân hàng lớn nhất của đất nước để phân bổ ngân quỹ này cho dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Ngân hàng Thế giới đã đồng ý cung cấp khoản vay trị giá 625 triệu đôla và một khoản vay khác trị giá 120 triệu đôla với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, Quỹ Đầu tư khí hậu cũng thông báo sẽ tài trợ 5 triệu đôla.
Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 400 MW. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ so với mục tiêu lắp đặt 40 GW công suất điện mặt trời mà Ấn Độ đặt ra đến tháng ba năm 2022.
Gần đây nhất, ngân hàng Thế giới đã tài trợ 500 triệu đôla để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hệ thống pin quang điện mặt trời trên mái nhà. Một số ngân hàng phát triển khác như KfW, Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng phát triển mới cũng tài trợ cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà của Ấn Độ.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới còn ký kết một thỏa thuận với Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế để huy động 1 tỷ đôla tiền đầu tư cho lĩnh vực điện mặt trời trên toàn thế giới vào năm 2030. Ngân hàng Thế giới sẽ đóng vai trò như một đối tác tài chính của Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế.
Ngọc Diệp (Theo Cleantechnica.com)