Thứ hai, 23/12/2024 | 08:00 GMT+7
Greenko Energy, một công ty đầu tư năng lượng ở Ấn Độ được niêm yết tại sàn chứng khoán London, mới đây cho biết họ chắc chắn sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào ngành công nghiệp xanh – một ngành công nghiệp có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai ở Ấn Độ. Quyết định của Greenko Energy thể hiện mục đích muốn nâng cao tầm ảnh hưởng của công ty này đối với thị trường năng lượng nội địa.
Greenko Energy cũng cho biết thêm, hai quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới là Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi (ADIA) và Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GSIC) sẽ trở thành nhà đầu tư cho công ty này trong những dự án năng lượng sắp tới với tổng số tiền lên tới 230 triệu đô-la Mỹ.
Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GSIC) công bố kế hoạch đầu tư 50 triệu đô-la Mỹ đối với Greenko vào hồi tháng 3 vừa qua và vẫn sẽ đóng vai trò là một cổ đông lớn trong công ty này. Đối với Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi, đây sẽ lần thử sức đầu tiên với số tiền đầu tư là 130 triệu đô-la Mỹ.
Greenko Energy được đánh giá là một công ty đầu tư năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng phát triển tại Ấn Độ khi chỉ trong vài năm trở lại đây công ty này đã nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực này với nhiều nhà máy điện gắn với sự đa dạng trong các nguồn năng lượng được khai thác như gió, mặt trời, khí sinh học, thủy điện, v.v. Công ty hiện đang điều hành 5 dự án điện năng lượng gió khác nhau trải đều trên nhiều bang của Ấn Độ với công suất lên tới 1GW.
Công ty này được cho là đang cố gắng tìm cách tạo thêm dấu ấn trong thị trường năng lượng sạch và tái tạo bằng cách thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, thâu tóm và tiếp quản các dự án mới. Năm ngoái, công ty này đã thu mua một dự án thủy điện có công suất 70 MW và hai dự án tương tự với công suất nhỏ hơn chỉ khoảng 5 MW mỗi năm. Tại Ấn Độ, những dự án thủy điện không vượt quá 25 MW sẽ được xếp vào nhóm dự án năng lượng tái tạo công suất nhỏ.
Đầu năm 2015, Greenko Energy cam kết sẽ thêm 9.990 MW điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong vòn 5-7 năm tới. Trong đó sẽ bao gồm 3.000 MW điện năng lượng mặt trời và 5.900 MW điện từ nguồn năng lượng gió và 1.090 MW sẽ được sản xuất dựa trên dự án điện với công nghệ năng lượng tái tạo khác.
Minh Thúy (Theo Clean Technica)