Thứ bảy, 07/12/2024 | 02:35 GMT+7
Các tuabin gió tại nhà máy phong điện ở Palm Springs, bang California. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tại Diễn đàn Năng lượng Sạch cấp bộ trưởng lần thứ 7 (CEM7) được tổ chức tại thành phố San Francisco của Mỹ ngày 2/6, các bộ trưởng môi trường, lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí mở rộng triển khai các dự án năng lượng sạch và cắt giảm khí thải carbon trên toàn cầu mà không ảnh hướng đến phát triển kinh tế.
Tại diễn đàn này, các nước thành viên của CEM đã cam kết chi hơn 1,5 tỷ USD để đẩy nhanh quá trình triển khai các công nghệ năng lượng sạch và tăng cường tiếp cận nguồn năng lượng này. Bên cạnh đó, những quốc gia trên cũng phát động ba chiến dịch mới nhằm thúc đẩy việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng trong thương mại và công nghiệp, và trong các công nghệ làm lạnh tiên tiến.
Những cam kết mới nói trên của các nước thành viên của CEM sẽ hiện thực hóa nỗ lực mang tên CEM 2.0 nhằm tăng cường sự hiệu quả hoạt động của những nước này thông qua việc lập một văn phòng quốc tế hỗ trợ các sáng kiến của nhóm này.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz, CEM7 là một diễn đàn cần thiết để thực hiện những mục tiêu đã đề ra tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Paris (Pháp) hồi cuối năm ngoái. Ông nhấn mạnh CEM và những cam kết được thực hiện đã chứng minh rằng Mỹ và các đối tác trên toàn cầu có thể thúc đẩy việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch để thực hiện những mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, xây dựng những nền kinh tế ít khí thải carbon và tăng cường an ninh năng lượng.
Bao gồm các thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, EU và những nền kinh tế lớn khác trên thế giới, chiếm 90% nguồn đầu tư vào năng lượng sạch của toàn cầu và 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, CEM đã đặt mục tiêu hợp tác để thúc đẩy các nước trên thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch./.
Theo vietnamplus.vn