Chủ nhật, 24/11/2024 | 10:56 GMT+7
Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng rồi sẽ đến lúc phải dừng sử dụng các nhiên liệu hóa thạch. Chúng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm, biến đổi khí hậu và cả chiến tranh. Trong suốt những năm qua, các nhà khoa học đã không ngừng tìm kiếm và nghiên cứu các giải pháp năng lượng thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay nhiên liệu hydro. Tuy nhiên, các loại năng lượng này vẫn còn đắt hơn nhiều so với dầu mỏ, than đá và cũng có thể chưa phải là các giải pháp tốt nhất. Dưới đây là 7 nguồn năng lượng đặc biệt mà ít người biết tới, thậm chí nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người trong số chúng ta.
1. Đường
Đổ đường vào bình xăng vốn được biết đến là một trò đùa có thể làm hỏng động cơ của xe. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và các nhà hóa học tại Virginia Tech đang phát triển một cách kết hợp đường, nước và 13 loại enzym hoạt tính trong lò phản ứng để chuyển hóa đường thành hiđrô, cung cấp nhiên liệu sạch hơn, rẻ hơn, không mùi và không gây ô nhiễm.
Quá trình này tạo ra lượng hydro nhiều gấp ba lần so với phương pháp truyền thống, do đó sẽ tiết kiệm chi phí hơn.
2. Gió mặt trời
Có một nguồn năng lượng lớn gấp 100 tỷ lần nhu cầu năng lượng của nhân loại hiện nay. Đó chính là gió mặt trời - luồng hạt electron và proton có mức năng lượng cao thoát ra từ vùng thượng quyển của mặt trời. Các nhà khoa học tại Washington đang nghiên cứu chế tạo một vệ tinh quay xung quanh mặt trời có khả năng bắt được các hạt điện tích và truyền năng lượng về Trái Đất hoặc thực tế hơn là cấp năng lượng cho các chuyến du hành không gian.
3. Phân và nước tiểu
Hầu hết mọi người nghĩ rằng phân và nước tiểu là những chất thải “bốc mùi” cần được xử lý ngay. Tuy nhiên, trên thực tế, phân chứa metan, một loại khí không màu, không mùi, có thể được sử dụng tương tự như khí đốt tự nhiên.
4. Nhiệt cơ thể
Lần tới nếu bạn đang đứng trong một khoang tàu điện ngầm đông đúc vào giữa mùa hè, đừng khó chịu vì bị đổ mồ hôi.. Nhiệt mà cơ thể của bạn tạo ra có thể làm ấm cả một tòa nhà đầy các văn phòng, cửa hàng và căn hộ. Nhiệt sẽ làm ấm nước chảy qua các ống dẫn, mà sau đó sẽ được bơm qua hệ thống thông gió của các tòa nhà. Đó chính là những gì đang xảy ra ở Stockholm và Paris.
5. Cặn bùn
Tính riêng thành phố California, Mỹ, mỗi năm thành phố này sản xuất ra 700.000 tấn bùn khô, có tiềm năng để tạo ra 10 triệu kilowatt-giờ điện mỗi ngày. Đại học Nevada, Reno, đang sấy khô cặn bùn để biến chúng thành chất có thể cháy được, sử dụng trong quá trình khí hóa để tạo ra điện năng. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại đại học này đã chế tạo loại máy có chi phí thấp và tạo ra năng lượng rất hiệu quả. Chiếc máy biến bùn thành bột bằng cách sử dụng nhiệt độ thấp trong một tầng cát và muối hóa lỏng để sản xuất nhiên liệu sinh khối.
Công nghệ biến rác thải thành năng lượng này nếu được ứng dụng vào thực tế sẽ giúp các công ty vừa tạo ra điện vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải. Mặc dù nghiên cứu vẫn đang được tiến hành nhưng dự đoán hệ thống xử lý bùn thải hoàn thiện có thể tạo ra đến 25.000 kilowattt-giờ mỗi ngày.
6. Vi khuẩn
Có hàng tỷ vi khuẩn sống trong môi trường xung quanh chúng ta và giống như bất kỳ sinh vật sống nào khác,chúng cũng có chiến lược sinh tồn riêng phòng khi nguồn thức ăn bị cạn kiệt. Ví dụ, vi khuẩn E. coli lưu trữ năng lượng ở dạng axit béo. Loại axit này rất cần thiết cho quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang tìm cách biến đổi gen vi khuẩn E. coli để sản xuất ra loại axit này.
Các nhà khoa học đã lấy enzyme từ các loại vi khuẩn để thúc đẩy quá trình
sản xuất axit béo, và sau đó khử nước khỏi các axit béo để tránh ô xi hóa, biến chúng thành một loại nhiên liệu diesel. Các loại vi khuẩn gây ra bệnh cho chúng ta hóa ra lại có thể giúp tiết kiệm tiền bạc và bảo vệ môi trường, bằng cách tạo ra nhiên liệu.
7. Các ống nano carbon
Ống nano cacbon là những ống rỗng của các nguyên tử carbon và có rất nhiều ứng dụng tiềm năng. Gần đây, các nhà khoa học của MIT vừa tìm ra cách sử dụng các ống nano carbon để thu thập năng lượng mặt trời nhiều hơn 100 lần so với việc dủ dụng các tấm pin thông thường. Các ống nano có thể làm việc như ăng-ten để nắm bắt và rót ánh sáng mặt trời vào mảng năng lượng mặt trời. Điều này có nghĩa là thay vì phải lắp đặt các tấm pin mặt trời kín cả mái nhà, người ta chỉ cần một diện tích nhỏ hơn nhiều mà thôi.
Hoa Nguyễn (Theo Phys.org)